|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viettel: Từ cuộc cách mạng viễn thông đến kiến tạo xã hội số

08:00 | 23/05/2019
Chia sẻ
Trước năm 2004, điện thoại động ở Việt Nam chỉ dành cho người có thu nhập cao và dù tiêu dùng rất dè sẻn hàng tháng cũng mất cả chỉ vàng. Viettel ra đời, đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn về giá cước, làm bùng nổ số lượng người dùng, đưa điện thoại di động tới cho mọi người. Giờ đây, họ lại trên đường kiến tạo một cuộc cách mạng khác.

Năm 2019, người tiêu dùng tại Việt Nam nhận ra rằng cước điện thoại di động, cước truy nhập Internet là thứ hàng hóa thiết yếu liên tục giảm giá và có chi phí thấp nhất trong số các nhu cầu hàng ngày của mình. Chỉ cần 50.000 đồng/tháng, tức là hơn 1 bát phở, người dùng đã có một dung lượng data lớn để truy cập Internet thỏa thích trên điện thoại thông minh, chi phí gọi thoại, nhắn tin cũng "rẻ như cho". Chẳng hạn, các khách hàng trả sau của Viettel, cước gọi nội mạng chỉ 100 đồng/phút.

Những người tiêu dùng thuộc thế hệ 9x, 10x bây giờ sẽ không thể tưởng tượng được rằng đã có thời kỳ, cũng với chi phí tương đương 1 bát phở, người Việt Nam chỉ có thể gọi được 1 phút điện thoại, chi phí dùng 1 tháng bằng cả chỉ vàng.

Trước khi có Viettel, gọi di động 1 phút "bay" 1 bát phở

Trong ký ức của thế hệ 7x, đã có thời, chỉ những người giàu mới mua được điện thoại di động. Giá trị của một chiếc điện thoại "cục gạch" đen trắng là 4-5 triệu đồng, đủ cho một gia đình sinh hoạt trong nửa năm. Nhưng tiền "nuôi" điện thoại hàng tháng với mức cước phí hàng trăm nghìn đồng mới là vấn đề lớn khi giá vàng lúc đó khoảng 400.000 đồng/chỉ.

Viettel: Từ cuộc cách mạng viễn thông đến kiến tạo xã hội số - Ảnh 1.

Vào năm 1993, sóng di động mới được phủ ở bốn đô thị là Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Biên Hòa và Vũng Tàu. Giá cước dành cho thuê bao di động trả sau là 8.000 đồng/phút (tương đương 0,75 USD), và phí thuê bao hàng tháng là 20 USD. Cho tới đầu những năm 2000, thị trường di động Việt Nam vẫn chỉ có hai công ty cung cấp dịch vụ di động, nên trong suốt 10 năm trước khi xuất hiện một hãng di động mới, cước phí di động gần như không thay đổi.

Mức cước quy định ban đầu cho điện thoại di động nội vùng là 3.500 đồng/phút, liên vùng là 6.000 đồng/phút, cách vùng là 8.000 đồng/phút. Đến ngày 2/10/2001, ngoại trừ cước nội vùng vẫn giữ nguyên, cước liên vùng giảm xuống còn 5.000 đồng/phút, cước cách vùng còn 6.500 đồng/phút.

Ông Trần Đức Hà (sinh năm 1972, Nam Định) – một trong những người "tiên phong" dùng điện thoại di động - kể lại: "Mỗi tháng tôi mua một chiếc thẻ nạp trị giá 300.000 đồng nhưng chỉ được 45 ngày sử dụng hai chiều nghe - gọi. Hết thời hạn là khóa chiều gọi, chỉ được nghe thêm 15 ngày.

Tính ra mỗi phút gọi điện thoại di động lúc bấy giờ "bay" luôn hơn một bát phở. Một tháng dùng điện thoại di động tốn gần chỉ vàng mà thực ra cũng chẳng gọi nhiều vì chỉ được có vài chục phút."

Ông Hà nhớ lại: "Ngày đó cả cơ quan trăm người, chỉ có vỏn vẹn 6 người biết đến điện thoại di động. Dù chưa có nhiều người dùng, nhưng đây đúng là vật dụng hữu ích. Mình đang ở đâu, mọi người cần gọi là có".

Cuộc cách mạng viễn thông "Made by Viettel"

Khi tất cả các mặt hàng đều tăng giá theo thời gian thì cước di động là thứ duy nhất giảm giá tại Việt Nam. Giờ đây, với giá tiền một bát phở, người ta có thể nghe gọi trong cả tháng khi chọn gói cước phù hợp. Đó là nhờ sự ra đời của nhà mạng Viettel với tuyên ngôn: Di động cho mọi người.

Trước Viettel, vào năm 2003, nhà cung cấp dịch vụ di động đầu tiên không thuộc VNPT là S-Fone đã ra đời. Mặc dù S-Fone đem đến một số chuyển biến trên thị trường dịch vụ di động đang độc quyền, nhưng phải đến tháng 10/2004, khi Viettel chính thức kinh doanh dịch vụ di động với công nghệ GSM, sự đột phá cho thị trường mới xảy ra.

Viettel phát triển nhanh chóngdựa trên nền tảng hạ tầng mà họ đã xây dựng một cách thần tốc trước khi chính thức kinh doanh dịch vụ di động. Vùng phủ sóng bắt đầu với 52 tỉnh rồi mở rộng ra phạm vi toàn quốc, gồm cả vùng sâu vùng xa, hải đảo xa xôi chỉ trong vòng 6 tháng sau đó.

Viettel: Từ cuộc cách mạng viễn thông đến kiến tạo xã hội số - Ảnh 2.

Mức cước Viettel tung ra thấp hơn 30% so với 2 nhà mạng lớn. Nhưng không chỉ vậy, nhà mạng mới mẻ này còn tạo ra cú đột phá chưa từng có với cách tính cước theo block 6 giây và sau đó là trên từng giây (thay vì 60 giây như cách tính thông thường khi đó).

Sự xuất hiện của Viettel đã giúp mật độ sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam từ 5% tăng lên thành 95% chỉ trong 3 năm. Đồng thời, Viettel cũng tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt trong ngành viễn thông, đẩy giá cước chung trên thị trường giảmmạnh. Tất nhiên, trong cuộc chạy đua giảm giá cước đó, người tiêu dùng chính là những người hưởng lợi lớn nhất – giống như mục tiêu mà Viettel đã đặt ra khi "chào đời".

Trước khi Viettel tham gia thị trường di động, cứ Tết là lại xảy ra nghẽn mạng. Kể từ khi có Viettel, lãnh đạo nhà mạng này tuyên bố sẽ không để xảy ra tình trạng này dịp Tết và họ đã thực hiện được đúng như vậy. Cũng kể từ đó, các nhà mạng khác cũng chạy đua đầu tư cho hạ tầng và tìm các giải pháp để làm bằng được điều tương tự. Và đến bây giờ là gần 15 năm, người Việt Nam đã không còn phải lo ngại việc nghẽn mạng dịp Tết như trước.

Về hạ tầng mạng, nếu như trước đó VinaPhone, MobiFone và cả S-Fone chỉ tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị thì Viettel – một tân binh lại phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm, biên giới hải đảo… Nhờ giá cước rẻ, khuyến mại lớn, chất lượng tốt, phủ sóng khắp mọi nơi, thuê bao gi động của Viettel tăng đột biến ở khu vực nông thôn, nơi mà các mạng di động đi trước bỏ trống.

Chính điều này cũng hình thành nên huyền thoại về chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị", đưa Viettel - một nhà mạng mới toanh lên vị trí số 1 trong thời gian 3 nămđiều xảy ra lần đầu tiên trong làng viễn thông thế giới. Chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" sau này cũng được Viettel sử dụng ở nhiều thị trường nước ngoài khác khi Tập đoàn này "go global".

Viettel: Từ cuộc cách mạng viễn thông đến kiến tạo xã hội số - Ảnh 3.

Một cú đột phá khác giúp Viettel đánh mạnh vào thị trường bình dân ở khu vực nông thôn và những người có thu nhập thấp là "gói cước cà chua" (Tomato) tung ra năm 2006. Với quy định thời gian nghe không giới hạn kèm theo một cuộc gọi đến và đi phát sinh trong 3 tháng, Tomato đã tạo ra một bước ngoặt về di động cho người nghèo.

Thành công ở Việt Nam, Viettel mang kinh nghiệm về viễn thông của mình tiến ra nước ngoài. Đến nay, nhà mạng này đã mở rộng ra 10 thị trường quốc tế: Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Peru, Burundi và Myanmar. Trong số đó, Viettel cũng nhanh nhảy vọt lên vị trí số 1 về thị phần viễn thông tại 5 quốc gia và tạo nên những câu chuyện cổ tích về cách mạng viễn thông tương tự như đã làm ở Việt Nam.

Gần đây nhất, Viettel với thương hiệu Mytel đã vươn lên vị trí số 3 tại Myanmar –thị trường quốc tế có quy mô lớn nhất, chỉ trong chưa đầy 1 năm, với 5,4 triệu thuê bao. Mytel đang mở ra một chương mới cho đầu tư viễn thông ra nước ngoài của Viettel.

Cuộc cách mạng tiếp theo của Viettel

Câu chuyện vẫn được các lãnh đạo của Viettel kể lại về một trong những yếu tố quan trọng giúp Tập đoàn này có thể xây dựng hạ tầng một cách nhanh chóng với chi phí thấp hơn đối thủ rất nhiều, đó là có thể mua thiết bị 2G giá rẻ.

Trong một chuyến thăm của lãnh đạo Viettel sang công ty viễn thông Thái Lan AIS, bà Yingluck Shinawatra lúc đó là Tổng Giám đốc đã tiết lộ, trên thế giới, các mạng di động đang chuyển sang 3G nên thừa thiết bị 2G. Viettel có thể mua trả chậm các thiết bị này.

Tuy nhiên, điều đó cũng nói lên một thực tế rằng thị trường viễn thông Việt Nam đi sau thế giới trong công nghệ 2G, 3G và sau này là cả 4G.

Nhưng với 5G thì khác.

Ngày 10/05/2019, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) chính thức kết nối cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Với việc tích hợp hạ tầng phát sóng 5G, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới.

Viettel: Từ cuộc cách mạng viễn thông đến kiến tạo xã hội số - Ảnh 4.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT trên nền 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành 1 trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này. Viettel cũng xây dựng một đội ngũ an ninh mạng lớn nhất và tinh nhuệ nhất Việt Nam để bảo vệ sự an toàn của người dùng trên không gian mạng.

Công nghệ 5G – với tốc độ dữ liệu cao, độ trễ thấp, tiêu thụ điện năng thấp và điều quan trọng nhất là kết nối số lượng thiết bị lớn (IoT) – sẽ mở ra một trang mới cho ngành viễn thông và công nghệ của Việt Nam. Các đặc tính nói trên của 5G là cơ sở để tạo nên những ứng dụng tiên tiến nhất như thực tế ảo để áp dụng vào y tế, giáo dục, giao thông, nghiên cứu khoa học… Do đó, 5G được dự báo sẽ tạo nên cú đột phá cho đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhờ thúc đẩy trình độ khoa học ứng dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, tiến tới hình thành một xã hội văn minh, an toàn và phát triển.

Với Viettel, mục tiêu trở thành một doanh nghiệp công nghệ đã được tuyên ngôn rõ ràng. Tập đoàn đã thực hiện ảo hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa và triển khai công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm cho hạ tầng cố định, ảo hóa hạ tầng CNTT và chuyển đổi tất cả các ứng dụng CNTT lên nền tảng điện toán đám mây. Viettel cũng đã triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng lưới sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.

Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đã đầu tư các trung tâm dữ liệu tiên tiến nhất, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc. Viettel đang tiếp tục lên kế hoạch để mở rộng thêm các trung tâm dữ liệu, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về dịch vụ của IoT.

Dựa trên hạ tầng đó, Viettel cho ra đời hàng loạt giải pháp về công nghệ, ứng dụng trong giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông, Chính phủ điện tử… để xây dựng một xã hội số hoàn thiện. Giờ đây, khi giấc mơ viễn thông giá rẻ đã hoàn thành, Viettel sẽ tiếp tục cuộc cách mạng mới của mình trong ngành viễn thông và công nghệ, mang tên Cuộc cách mạng số.

Nguyễn Hương