|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet chia sẻ kinh nghiệm vượt đại dịch tại hội nghị hàng không toàn cầu

14:31 | 25/06/2022
Chia sẻ
Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) diễn ra ở Doha (Qatar) từ ngày 19 đến 21/6, IATA dự đoán trong năm nay, lượng hành khách sẽ tăng lên 83% so với mức trước đại dịch và khả năng sinh lời sẽ trở lại vào năm 2023.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, CFO Vietjet (ngồi giữa) và bà Ursula  Hurley, CFO Jet Blue tại tọa đàm giám đốc tài chính. (Ảnh: N.T).

Tại tọa đàm về quyền lực của các giám đốc tài chính (CFO) trong khuôn khổ hội nghị IATA, do Ông Richard Quest, biên tập viên của CNN, điều hành, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Hãng Hàng không Vietjet và bà Ursula Hurley, CFO Hãng Hàng không Jet Blue, đã chia sẻ về quan điểm tiền mặt là vua (cash is king) và trọng tâm là dòng tiền để vượt qua khủng hoảng.

Bà Yến Phương cho biết trong giai đoạn dịch, Vietjet chú trọng đến việc giảm thiểu chi phí và giảm thiểu “đốt cháy” tiền mặt (cash burn) là cách để lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn một cách hiệu quả và là những điều thiết yếu chuẩn bị cho quá trình hồi phục sau đại dịch. “Chúng tôi đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn bằng cách quản trị kế hoạch chi tiêu thông qua quá trình thương thảo với các nhà cung cấp, các tổ chức tài chính, ngân hàng”, bà Yến Phương nói.

Cùng với đó, bà Yến Phương cho biết Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp kéo dài thời gian giảm thuế, nộp thuế… nhưng bản thân Vietjet cũng phải nỗ lực để vượt qua hoàn cảnh.

“Thời điểm đó, chúng tôi có rất nhiều giải pháp. Chúng tôi đã đàm phán, thương thảo với các ngân hàng, các nhà đầu tư để tiến tới tương lai tốt hơn. Chúng tôi kiểm soát chi phí theo giờ bay và quan trọng là có Bảng cân đối tài sản mạnh để huy động vốn trái phiếu dài hạn chuẩn bị cho phục hồi”, bà Yến Phương chia sẻ.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương chia sẻ kinh nghiệm vượt đại dịch của Vietjet. (Ảnh: N.T).

Ngoài các giải pháp để ổn định tài chính, trong giai đoạn dịch, bên lề hội nghị, bà Yến Phương cho biết Vietjet đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ; thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số trong vận tải hàng không, hàng hóa và hậu cần; phát triển và mở rộng các dịch vụ hàng không gồm dịch vụ mặt đất, đào tạo, cung cấp tài chính, đầu tư dự án và các dịch vụ khác.

CFO Vietjet cho biết đến nay, hãng đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế.

Bà Yến Phương nói: “Chúng tôi kỳ vọng các chuyến bay quốc tế sẽ phục hồi 70% vào năm 2022. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay thông qua các thỏa thuận liên danh với các hãng hàng không quốc tế để bay đến các điểm đến khắp châu Á, Đông Âu, Trung Đông, Úc và xa hơn nữa. Vietjet tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa, e-logistics, chuyển phát nhanh, vận chuyển đảm bảo, đưa vận tải hàng hóa trở thành lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn”.

Hội nghị thường niên của IATA quy tụ các lãnh đạo cao nhất từ các hãng hàng không trên thế giới để thảo luận về nhiều vấn đề của ngành hàng không.

Báo cáo tại hội nghị cho biết việc dỡ bỏ hạn chế đi lại ở hầu hết các thị trường sẽ khiến lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trong năm 2022 đạt 83% so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, khối lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến sẽ đạt mức 68,4 triệu tấn trong năm 2022.

Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, khẳng định: “Các hãng hàng không rất kiên cường. Hành khách đi máy bay đang tăng cao hơn bao giờ hết. Vận chuyển hàng hóa đang hoạt động tốt. Khoản lỗ của ngành hàng không sẽ được cắt giảm xuống còn 9,7 tỉ USD trong năm nay và khả năng sinh lời sẽ tăng lên vào năm 2023. Đây là thời điểm để lạc quan”.

Bích Thu

Chân dung công ty con của PV Trans muốn niêm yết HOSE: Cổ phiếu gấp 10 lần từ đáy
PVT Logistics có hoạt động chính là kinh doanh vận tải biển. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng cao nhờ cải thiện biên lợi nhuận và khoản thu bất thường từ bán tàu.