|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietcombank cấp khoản tín dụng gần 10.000 tỷ đồng cho CII

14:37 | 02/06/2023
Chia sẻ
Khoản vay gần 10.000 tỷ đồng dự kiến để tái cấu trúc dòng tiền các dự án đã đi vào khai thác để có thể nhanh chóng thu hồi vốn nhằm tái đầu tư cho các dự án mới cũng như thanh toán cổ tức cho cổ đông.

CTCP Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP HCM (Mã: CII) cho biết, Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa phê duyệt tổng hạn mức cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng của CII là 9.340 tỷ đồng. Đây cũng là thông tin được Tổng Giám đốc CII tiết lộ trước đó.

Cụ thể, tổng hạn mức cấp tín dụng cho CTCP Đầu Tư và Xây Dựng Xa Lộ Hà Nội hơn 2.397 tỷ đồng. Thời hạn vay là 7 năm nhưng không vượt quá ngày 26/11/2029.

Đối với CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, tổng hạn mức cấp tín dụng là hơn 6.942 tỷ đồng. Thời hạn vay là 12 năm nhưng không vượt quá ngày 9/1/2035.

Theo CII, được Vietcombank chấp thuận cấp tín dụng trung và dài hạn với giá trị lớn là một thành công lớn của công ty. Từ đó mở ra cơ hội cho CII tiếp tục thực hiện tái cấu trúc dòng tiền các dự án đã đi vào khai thác để có thể nhanh chóng thu hồi vốn nhằm tái đầu tư cho các dự án mới cũng như thanh toán cổ tức cho các cổ đông.

Trong tháng 4, chia sẻ với cổ đông, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết với bối cảnh tín dụng đang bị thắt chặt và các dự án BOT đang có nợ xấu rất lớn ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo của CII nhận định các ngân hàng sẽ siết dòng tiền và thu trước các khoản lãi, gốc.

Do vậy, năm nay, CII tập trung thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi để đảm bảo về mặt tài chính nhằm chuẩn bị tái đầu tư từ năm 2024. Bởi đây là thời gian, dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 sẽ được khởi động; bên cạnh đó, nhiều khả năng TP HCM sẽ được cơ chế đặc thù làm BOT trên nền đường cũ và tình hình thị trường tài chính có thể ổn định hơn.

Theo ông Bình, nếu không thể phát hành thành công thì CII sẽ phải chờ 5-10 năm mới có thể đầu tư trở lại và đánh mất cơ hội ở năm 2024, khi các dự án BOT tái khởi động. 

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết trong dự luật mới, các dự án BOT sẽ chốt thời gian khai thác và Nhà nước không còn bảo hộ vay vốn hay kéo dài thời gian thu phí để bù lỗ như trước. Đồng thời, các dự án BOT (trừ TP HCM) đều sẽ không được làm trên nền đường cũ nên lưu lượng phương tiện đi qua là một ẩn số.

"Do đó, ngân hàng sẽ không cho vay quá 50% vốn đầu tư. Trong bối cảnh hàng loạt dự án BOT hiện hữu đang nợ xấu thì ngân hàng có thể hạ xuống 30%", ông Bình nói. 

Về tình hình tài chính, cuối quý I, nợ phải trả của CII là hơn 20.667 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay khoảng 15.232 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ vay từ ngân hàng.

Trong đó, dư nợ ngân hàng khoảng 9.361 tỷ đồng. Trái phiếu đến hạn phải trả trong vòng 12 tháng tới là 775 tỷ đồng và 2.791 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Còn lại là nợ vay từ các công ty và cá nhân. 

Tổng Giám đốc CII - Lê Quốc Bình chia sẻ với doanh thu từ thu phí thì công ty có đủ khả năng để thanh toán nợ vay ngắn hạn hằng năm.

Lâm Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.