|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CII đứng ra bảo lãnh khoản vay gần 2.400 tỷ đồng cho dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội

07:10 | 31/05/2023
Chia sẻ
Dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội là một trong hai dự án hạ tầng trọng điểm của CII, bên cạnh cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội. (Ảnh: Quang Phương).

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP HCM (Mã: CII) vừa thông qua việc chấp thuận cho công ty đầu tư vào một doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chứ không phải là Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) như công bố trước đó. CII giải thích đây là do sơ suất trong quá trình soạn thảo.

Doanh nghiệp được CII đầu tư có ngành nghề kinh doanh bổ trợ cho hoạt động đầu tư hạ tầng của CII. Tên công ty được rót vốn không được nêu cụ thể.

Đồng thời, cùng ngày, HĐQT cũng đã chấp thuận cho CII bảo lãnh khoản vay trung và dài hạn (thời hạn tối đa 84 tháng) với tổng giá trị gần 2.398 tỷ đồng của dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 đoạn từ Ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (TP Thủ Đức).

Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7 km, từ chân cầu Sài Gòn (TP Thủ Đức) đến nút giao thông Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới). Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông của TP HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Từ tháng 11/2010, UBND TP HCM đã giao dự án BOT này cho CII làm chủ đầu tư, với số vốn ban đầu là 2.287 tỷ đồng. 

Tiếp đó, tháng 7/2018, UBND TP và Công ty CII ký phụ lục hợp đồng, bổ sung một số hạng mục trên tuyến, như: Xây thêm 2 cầu, cải tạo đường song hành, xây dựng nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM, bổ sung kinh phí đền bù giải tỏa mặt bằng toàn tuyến… Tổng vốn đầu tư dự án sau khi điều chỉnh là 4.905 tỷ đồng.

Dự án gồm 3 đoạn: Từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (6,2 km); từ nút giao Bình Thái đến nút giao Trạm 2 (5,3 km) và từ nút giao Trạm 2 đến nút giao Tân Vạn (4,2 km). Theo quy hoạch, mặt cắt ngang của tuyến đường được UBND TP phê duyệt rộng 113,5 m và 153,5 m, quy mô từ 14 – 20 làn xe. 

 Đóng góp của dự án Xa lộ Hà Nội vào doanh thu của CII giai đoạn 2023 - 2032. (Nguồn: CII).

Tại ĐHĐCĐ thường niên lần 2, Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết công ty đang kỳ vọng nhận được gói tài trợ gần 10.000 tỷ đồng. Hiện công ty đã nhận được quyết định chính thức đối với gói 2.400 tỷ đồng, còn gói 6.950 tỷ đồng còn lại, công ty hy vọng đến tuần sau (tính từ ngày 24/5) sẽ có quyết định chính thức. Ông Bình cho biết thêm, tổ chức tài chính này nằm thuộc top 3 thị trường tài chính Việt Nam.

Mục đích của khoản vay này là để tái cấu trúc vốn của hai dự án quy mô lớn của CII, Tổng Giám đốc thông tin.

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo cho biết sẽ đầu tư thêm vào CTCP Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) thông qua mua lại số cổ phần đã bán. Bên cạnh đó, công ty sẽ đầu tư tiếp tục vào các doanh nghiệp dự án. Hiện, công ty cũng đang đàm phán thương vụ đầu tư với một doanh nghiệp niêm yết trong cùng ngành hạ tầng.

Ngược lại, CII sẽ thoái vốn CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Mã: SII) do công ty đã đầu tư 10 năm nhưng nhận thấy thị trường hiện tại không tốt lắm. Việc thoái vốn SII kỳ vọng sẽ có lãi, bên mua đã trả 50%, và trong năm nay sẽ thanh toán 50% còn lại, thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên lần 2 diễn ra ngày 24/5.

Trong diễn biến khác, CII có ý định bán toàn bộ hơn 33,7 triệu cổ phiếu quỹ trong lúc cổ phiếu đang giao dịch ở vùng đỉnh. Tạm tính với 17.550 đồng/cp chốt phiên 30/5, ước tính CII có thể thu về hơn 590 tỷ đồng qua thương vụ này.

Tính đến cuối tháng 3/2023, khoản tiền, tiền gửi có kỳ hạn, đầu tư trái phiếu của CII khoảng 394 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 1% trong tổng tài sản 29.005 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty đi vay khoảng 15.232 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ vay từ ngân hàng với 9.361 tỷ đồng. Trái phiếu đến hạn phải trả trong vòng 12 tháng tới là 775 tỷ đồng và 2.791 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Ba tháng đầu năm, chi phí lãi vay của công ty là 288 tỷ đồng.

Minh Hằng