|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Giám đốc CII: Công ty dư sức trả nợ vay ngắn hạn, tiết lộ có tổ chức sẵn sàng đầu tư 10.000 tỷ đồng

09:14 | 27/04/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc CII, với doanh thu từ thu phí thì công ty có đủ khả năng để thanh toán nợ vay ngắn hạn hằng năm. Bên cạnh đó, công ty muốn phát hành trái phiếu chuyển đổi để có thể trả nợ ngay lập tức cho các dự án BOT và hiện đang có một tổ chức tài chính đang xem xét khoảng đầu tư 10.000 tỷ đồng trong 14 năm.

Theo kế hoạch, sáng ngày 26/4, CTCP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP HCM (Mã: CII) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 9 giờ 14 phút, số lượng cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 45,6% lượng cổ phần có quyền biểu quyết nên cuộc họp đã không thể tiến hành theo như dự kiến. 

Dù vậy, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII vẫn có những chia sẻ và giải đáp thắc mắc cho các cổ đông đã dành thời gian đến tham dự cuộc họp.

Doanh thu mỗi ngày đạt 7 tỷ đồng, dư sức trả nợ vay ngắn hạn

Ông Bình cho biết, giữa năm 2021, lãnh đạo công ty dự báo sẽ có khủng hoảng nên đã dừng đầu tư mới các dự án và tập trung nguồn lực đưa các dự án đang đầu tư về đích để khai thác. 

Trong giai đoạn 2021 - 2022, công ty đã dành 10.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án như mở rộng Xa lộ Hà Nội; Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Tòa nhà 152 Điện Biên Phủ; Dự án D'Verano;... Tổng vốn đầu tư các dự án này là hơn 20.000 tỷ đồng.

"Công ty tập trung hết nguồn lực vào các dự án đó và đến cuối năm 2022, trong khi nhiều doanh nghiệp khốn đốn thì CII chỉ có việc ngồi thu tiền", ông Bình nói. 

Về kế hoạch năm 2023, Tổng Giám đốc của CII cho hay công ty sẽ tiếp tục "nằm im", không thực hiện đầu tư. "Bây giờ, tiền ra chỉ có "chết", không tắc chỗ này thì tắc chỗ khác", ông nhận định.

Còn về dài hạn, CII sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đầu tư vào hạ tầng với các dự án có nguồn thu tốt.

Bên cạnh đó, CII đang có quỹ đất 17 ha tại TP HCM; 126 ha tại Bình Thuận; 121 ha tại Quảng Ngãi (đã tiêu thụ được 2/3). Nên năm nay, công ty sẽ thúc đẩy hoàn tất vấn đề pháp lý tại các dự án này. 

Đồng thời, duy trì khai thác các trạm thu phí BOT và thực hiện tái cấu trúc nội bộ. 

Ông cũng cho biết, ước tính trong quý I/2023, doanh thu mỗi ngày của CII đạt khoảng 7 tỷ đồng (tương đương quý I doanh thu công ty khoảng 630 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ thu phí tăng 10% so với cùng kỳ, tuy nhiên, theo ông Bình, nếu quy về mặt bằng giá của năm 2022 thì con số này giảm 2%, tức lưu lượng phương tiện qua trạm đã giảm 2%. 

Trạm thu phí trên Cao tốc trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Về tình hình tài chính, cuối năm 2022, tổng tài sản của CII là hơn 28.559 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Bình, CII còn khoản đầu tư khoảng 12.600 tỷ đồng vào dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa được hợp nhất.

Đến quý III, khi thực hiện hợp nhất thì tài sản công ty sẽ lên hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó, số dư của bất động sản vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ dưới 5%. Cho nên, ông nhận định những vấn đề của bất động sản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CII.

Bên cạnh đó, sau khi hợp nhất, tổng nợ phải trả của công ty sẽ rơi vào mức 26.000 tỷ đồng.Về dư nợ trái phiếu, cuối năm 2022, CII có 6.219 tỷ đồng tỷ đồng nợ trái phiếu gồm 3.134 tỷ đồng đến hạn trả trong năm nay và 3.085 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn.   

Đến tháng 3, CII đã tất toán lô trái phiếu CIIBOND2020-02 có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng. Trái phiếu này được phát hành ngày 13/3/2020 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11%/năm. Ngày 25/5/2022, CII đã thực hiện mua lại trước hạn 150 tỷ đồng của trái phiếu này.

Ông Bình cũng cho biết, giai đoạn 2018-2020, CII tập trung công tác đầu tư nên là một trong những đơn vị phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường.

Trong giai đoạn 2018-2020, CII chi nhiều khoản đầu tư tài sản cố định, đầu tư vào công ty khác nên dòng tiền đầu tư thâm hụt lớn. (Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của CII).

"Một năm doanh thu từ thu phí khoảng 3.200 tỷ đồng. Nếu trừ đi chi phí quản lý chiếm 12-13% và nộp thuế 13% thì còn lại 2.850 tỷ đồng. Như vậy, nợ 26.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 10%/năm trở xuống thì công ty dư sức trả lãi và gốc nợ vay ngắn hạn," ông Bình cho biết.

"CII hơn các doanh nghiệp khác là dù trời mưa hay nắng, có COVID hay không thì xe đi qua trạm tiền vẫn ở lại, hoạt động đó ko bao giờ giảm sút," vị này nói thêm.

Tuy nhiên, cũng theo ông, đã có "độ vênh" giữa nợ ngắn hạn và dòng tiền thu trong ngắn hạn của CII (tại cuối năm 2022, tài sản ngắn hạn của CII đạt 7.227 tỷ đồng và nợ ngắn hạn là 9.570 tỷ đồng).

Chia cổ tức mỗi ba tháng nếu phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi

Cuối năm ngoái, CII từng công bố sau khi các dự án BOT đã hoàn thành việc khai thác hoàn vốn và được chuyển giao cho cơ quan Nhà nước thì ước tính tổng doanh thu sẽ đạt hơn 65.000 tỷ đồng. 

Các dự án này đang có dư nợ vay khoảng 12.000 tỷ đồng và theo ước tính của Tổng Giám đốc CII, trong 12 năm, công ty sẽ trả xong khoảng 20.000 tỷ đồng gốc, lãi vay. Sau khi trừ các khoản thuế, phí thì công ty sẽ còn lại 30.000 tỷ đồng.

"Nhưng 30.000 tỷ đồng này phải 12 năm nữa mới có. Còn bây giờ, làm được bao nhiêu thì ngân hàng lấy hết", ông nói.

Do đó, ban lãnh đạo của CII đã đưa ra kế hoạch phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu và thời hạn của trái phiếu là 10 năm. Lãi suất trái phiếu 10%/năm cho năm đầu tiên và các năm tiếp theo sẽ được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với 2,5%/năm. 

Số tiền thu từ đợt phát hành sẽ được dùng để trả hết nợ tại hai trạm thu phí (dự án BOT) thuộc Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Ninh Thuận và một phần nợ vay tại trạm thu phí dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Theo đó, lãnh đạo công ty ước tính sau khi trả hết nợ, với doanh thu từ thu phí hiện tại là 1.100 tỷ đồng/năm, tăng trưởng khoảng 10%/năm thì công ty có đủ khả năng trả nợ và thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% ngay lập tức thay vì phải chờ đến sau khi trả hết các khoản nợ của ngân hàng (khoảng 6 năm, theo ông Bình chia sẻ). 

"Nếu như phát hành thành công thì CII sẽ trả cổ tức 3 tháng/lần. Tiền thu phí giao thông về hằng ngày và độ biến động giữa các quý không quá lớn," ông Bình nói với cổ đông.

"Có tổ chức tài chính sẵn sàng tài trợ 10.000 tỷ đồng"

Với bối cảnh tín dụng đang bị thắt chặt và các dự án BOT đang có nợ xấu rất lớn ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo của CII nhận định các ngân hàng sẽ siết dòng tiền và thu trước các khoản lãi, gốc.

Do vậy, năm nay, CII tập trung thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi để đảm bảo về mặt tài chính nhằm chuẩn bị tái đầu tư từ năm 2024. Bởi đây là thời gian, dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 sẽ được khởi động; bên cạnh đó, nhiều khả năng TP HCM sẽ được cơ chế đặc thù làm BOT trên nền đường cũ và tình hình thị trường tài chính có thể ổn định hơn.

Theo ông Bình, nếu không thể phát hành thành công thì CII sẽ phải chờ 5-10 năm mới có thể đầu tư trở lại và đánh mất cơ hội ở năm 2024, khi các dự án BOT tái khởi động. 

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết trong dự luật mới, các dự án BOT sẽ chốt thời gian khai thác và Nhà nước không còn bảo hộ vay vốn hay kéo dài thời gian thu phí để bù lỗ như trước. Đồng thời, các dự án BOT (trừ TP HCM) đều sẽ không được làm trên nền đường cũ nên lưu lượng phương tiện đi qua là một ẩn số.

"Do đó, ngân hàng sẽ không cho vay quá 50% vốn đầu tư. Trong bối cảnh hàng loạt dự án BOT hiện hữu đang nợ xấu thì ngân hàng có thể hạ xuống 30%", ông Bình nói. 

Tuy nhiên, ông cũng thông tin đến cổ đông về việc có một tổ chức tài chính đang xem xét việc đầu tư 10.000 tỷ đồng cho CII với thời gian 14 năm.

Thông tin về đối tác không được tiết lộ, tuy nhiên, Tổng Giám đốc CII kỳ vọng sẽ sớm có thông báo chính thức đến cổ đông.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII. (Ảnh: CII).

Đăng Nguyên