|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam vượt Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... về hấp dẫn vốn ngoại

06:56 | 15/03/2017
Chia sẻ
Thu hút lượng vốn đầu tư mới bứt phá so với nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... Song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chủ yếu vẫn là quy mô vẫn tương đối nhỏ.
viet nam vuot malaysia thai lan trung quoc ve hap dan von ngoai
Ảnh minh họa.

Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa được công bố, có 11% doanh nghiệp FDI được hỏi cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 63% tuyển thêm lao động mới năm 2016.

Kết quả trên được đánh giá là tương đương số liệu điều tra năm 2015 và cải thiện lớn so giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012-2013.

viet nam vuot malaysia thai lan trung quoc ve hap dan von ngoai

Mặc dù doanh thu của doanh nghiệp FDI trung vị thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, song tổng phí kinh doanh giảm. Kết quả là 59% doanh nghiệp FDI hoạt động kinh doanh có lãi, mức cao nhất từ năm 2013.

Điều tra của PCI cũng cho biết, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với nguồn vốn FDI. Theo FDi Intelligence, chuyên trang phân tích thống kê về FDI thuộc tờ Fiancial Times, năm 2016 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng đầu các nền kinh tế mới nổi trong Chỉ số đầu tư mới (Greenfield Investment Index).

Chỉ số này được tính toán xếp hạng dựa trên tỷ lệ nguồn vốn đầu tư mới trên toàn cầu của một quốc gia so với tỷ lệ GDP toàn cầu của quốc gia đó. Việt Nam được tổ chức này chấm 6,45 điểm, nghĩa là đã thu hút lượng vốn đầu tư mới hơn 6 lần so với mức kỳ vọng từ tỷ lệ đóng góp trong sản lượng toàn cầu.

Kết quả này theo PCI giúp Việt Nam bứt lên hẳn so với những đối thủ cạnh tranh gần nhất của mình như Hungary (4,32), Romania (3,48), Malaysia (2,86), Thái Lan (2,43) và vượt xa Trung Quốc (0,41).

Theo PCI, những con số trên thể hiện thông điệp rất rõ ràng: Trong cuộc đua về đầu tư toàn cầu, Việt Nam đã vượt lên chính mình, thu hút được nhiều nguồn vốn hơn mức có thể dự báo từ tốc độ phát triển của chính quốc gia. Tờ Wall Street Daily đã có bài viết với tựa “Đã tới lúc đầu tư vào Việt Nam", phóng viên Carl Delfeld tuyên bố thẳng thắn: “Nhìn trên toàn cảnh thế giới hiện nay, thị trường tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy chính là Việt Nam”.

Tại buổi công bố báo cáo PCI, GS. Edmund Malesky đến từ Đại học Duke – Hoa Kỳ cho biết kết quả điều tra doanh nghiệp nước ngoài PCI - FDI năm 2016 cho thấy nhiều tín hiệu tốt. Trong 2 năm qua, những thay đổi về pháp luật đã tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông này, những cải cách này đã gặt hái được thành quả, gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài và triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh lớn.

viet nam vuot malaysia thai lan trung quoc ve hap dan von ngoai
Số doanh nghiệp FDI phân theo xuất xứ nhà đầu tư tham gia điều tra PCI

Tuy nhiên, điều tra PCI cũng chỉ vấn đề, đó là dù các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang phát triển nhưng theo tiêu chuẩn quốc tế thì quy mô vẫn tương đối nhỏ. Một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thông thường có khoảng 125 lao động và 81,5% doanh nghiệp FDI có dưới 300 lao động. Trên thực tế có tới 44,8% doanh nghiệp FDI có ít hơn 50 lao động và theo khảo sát, số lượng các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ đã tăng lên.

Các doanh nghiệp FDI cũng chủ yếu hướng vào xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Họ thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc tập đoàn đa quốc gia, do đó họ thường nằm ở những vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Tương tự như nguồn vốn FDI đăng ký, đa phần các nhà đầu tư đến từ Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Singapore và Trung Quốc.

N. Mạnh