|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam tụt một bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh: Những điều cần biết

11:35 | 26/10/2019
Chia sẻ
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) do Ngân hàng Thế giới thực hiện, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 70 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, tụt một bậc so với thứ hạng 69 của năm ngoái.

Số điểm môi trường kinh doanh 2020 của Việt Nam là 69,8, tăng nhẹ so với mức 69 điểm của báo cáo trước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở dưới Singapore (hạng 2), Malaysia (hạng 12), Thái Lan (hạng 21) và Brunei (hạng 66).

Trong khảo sát lần này, Ngân hàng Thế giới chấm điểm và xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí bao gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Đăng kí tài sản, Tiếp cận tín dụng (Vay vốn), Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Nộp thuế, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng và Xử lí khi mất khả năng thanh toán.

db 2020

Thứ hạng từng tiêu chí về môi trường kinh doanh Việt Nam 2020. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Trong báo cáo trước, Việt Nam được ghi nhận có cải thiện trong ba tiêu chí là Thành lập doanh nghiệp, Nộp thuế và Thực thi hợp đồng.

Hai tiêu chí môi trường kinh doanh được đánh giá cải thiện trong năm nay là Tiếp cận tín dụngNộp thuế. Cụ thể, tiêu chí Tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc từ vị trí thứ 32 lên 25, Nộp thuế tăng 22 bậc từ 131 lên 109.

Thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ). Số lần nộp thuế (Payments number) giảm từ 10 lần (gồm 9 lần thuế và 1 lần bảo hiểm xã hội năm 2019) xuống còn 6 lần năm 2020. 

Tổng mức thuế suất (tỉ lệ tổng thuế và các khoản đóng góp) giảm 0,2 điểm phần trăm, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, BHXH 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.

Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN (chỉ sau Brunei đứng top1 thế giới), cao hơn trung bình khu vực Đông Á Thái Bình Dương và các nước OECD thu nhập cao.

Việt Nam đạt điểm tối đa của tiêu chí Chiều sâu thông tin tín dụng (8/8 điểm) tại cấu phần phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ, góp phần giúp Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 80/100, tăng 5 điểm so với năm trước.

DB 2020 score

Điểm số từng tiêu chí môi trường kinh doanh 2020 của Việt Nam. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Chỉ số mà Việt Nam đạt điểm cao nhất trong báo cáo năm nay là chỉ số Tiếp cận điện năng với 88,2 điểm, tăng 0,26 điểm so với năm trước. Đây cũng là năm tăng điểm thứ 6 liên tiếp của chỉ số này.

Chỉ số Tiếp cận điện năng được Doing Business đánh giá theo các tiêu chí thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện. Với số điểm như trên, Việt Nam đứng thứ 4 về tiếp cận điện năng trong khu vực ASEAN và thứ 27 trong số 190 nền kinh tế trên thế giới - không đổi so với năm ngoái.

Đứng thứ hai về điểm số là tiêu chí Thành lập doanh nghiệp. Báo cáo của WB nghiên cứu đối tượng tiêu chuẩn là một công ty trách nhiệm hữu hạn tại TPHCM. 

Theo đó, tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện khi thành lập doanh nghiệp là 8, cao hơn trung bình khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (6,5). Số ngày cần để thành lập doanh nghiệp là 16, thấp hơn trung bình khu vực (25,6). Chi phí để thành lập doanh nghiệp là 5,6% thu nhập bình quân đầu người trong khi trung bình khu vực là 17,4%.

Chỉ số mà Việt Nam có mức điểm thấp nhất là tiêu chí Xử lí khi mất khả năng thanh toán (Resolving Insolvency) với chỉ 38 điểm, xếp hạng 122 toàn cầu.

Theo khảo sát của Doing Business, tỉ lệ thu hồi nợ của chủ nợ (ở đây là ngân hàng) là khoảng 21,3% giá trị cho vay, trong khi trung bình của khu vực là 35,5%. Thời gian cần để đòi nợ lên tới 5 năm, trong khi trung bình khu vực Đông Á – Thái Bình Dương là 2,6 năm và ở các nước OECD thu nhập cao là 1,7 năm.

Dù vậy, Việt Nam vẫn tăng 3,07 điểm và nhảy 11 bậc trên bảng xếp hạng tiêu chí Xử lí khi mất khả năng thanh toán, từ hạng 133 lên hạng 122.

Đứng áp chót trong bảng xếp hạng các tiêu chí là Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số với 54 điểm, xếp hạng 97. So với báo cáo trước, Việt Nam đã giảm 1 điểm và tụt 8 bậc xếp hạng về tiêu chí này. Nhóm tác giả  Doing Business nghiên cứu 396 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh để cho ra kết quả của báo cáo.

Trong khía cạnh Công bố thông tin, Việt Nam đạt 7/10 điểm, cao hơn trung bình khu vực là 5,9 điểm. Về khía cạnh Trách nhiệm của giám đốc, Việt Nam đạt 4/10 điểm. Đạt điểm thấp nhất 2/10 là khả năng khởi kiện của cổ đông.

Về quyền của cổ đông, nước ta đạt 4/6 điểm, về minh bạch doanh nghiệp cũng như quyền sở hữu và kiểm soát, Việt Nam cùng được 5/7 điểm.

Chỉ số phụ

Điểm của 

Việt Nam

Điểm trung bình khu vực 

Đông Á – Thái Bình Dương

Công bố thông tin 

(thang 0-10)

7

5,9

Trách nhiệm của giám đốc 

(thang 0-10)

4

5,2

Khả năng khởi kiện của cổ đông 

(thang 0-10)

2

6,7

Quyền của cổ đông 

(thang 0-6)

4

2

Minh bạch doanh nghiệp 

(thang 0-7)

5

2,4

Quyền sở hữu và kiểm soát 

(thang 0-7)

5

2,6

Đây là báo cáo được thực hiện công phu bởi một tổ chức quốc tế uy tín nhưng người đọc cũng cần lưu ý rằng nhóm tác giả chỉ khảo sát các doanh nghiệp ở một thành phố duy nhất là Thành phố Hồ Chí Minh nên kết quả khó mang tính đại diện cho toàn Việt Nam.

Chẳng hạn, khả năng tiếp cận điện hay tiếp cận tín dụng ở các tỉnh lẻ có thể khó khăn hơn nhiều so với ở thành phố lớn.

Với tiêu chí Thành lập doanh nghiệp, nhóm tác giả chỉ đánh giá quá trình thành lập doanh nghiệp ở TP HCM và một loại hình doanh nghiệp duy nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn.

Với tiêu chí Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, nhóm tác giả chỉ đánh giá các doanh nghiệp niêm yết ở HOSE, không có các doanh nghiệp niêm yết ở HNX hay giao dịch ở UPCoM – nơi qui định về chất lượng doanh nghiệp và yêu cầu về công bố thông tin còn lỏng lẻo.

Song Ngọc