Việt Nam sẽ chịu trận trong cuộc chiến máy giặt giữa Mỹ và Hàn Quốc?
Ông Trump quyết áp thuế cao với một số mặt hàng nhập khẩu từ châu Á |
Cuộc rượt đuổi giữa Mỹ và LG, Samsung
Để hiểu được lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế cao đối với máy giặt nhập khẩu trên phạm vi toàn cầu, hãy cùng nhìn lại câu chuyện “mèo vờn chuột” dài kỳ giữa chính phủ Mỹ và các hãng điện tử Hàn Quốc, gồm LG Electronics và Samsung Electronics.
Ảnh: Reuters |
Năm 2011, Tập đoàn Whirlpool Corp. của Mỹ (chuyên sản xuất hàng gia dụng) cáo buộc LG và Samsung bán phá giá sản phẩm máy giặt được sản xuất tại Hàn Quốc và Mexico. Năm 2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng máy giặt nhập khẩu từ hai nước này. Ngay sau đó, Hàn Quốc chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất máy giặt sang Trung Quốc, theo một văn bản của đại diện DOC.
Tuy nhiên, đến năm 2015 khi Mỹ ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, các hãng sản xuất của Hàn Quốc lại dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, cả Việt Nam và Thái Lan trở thành hai nước xuất khẩu máy giặt lớn nhất vào thị trường Mỹ trong khoảng hai năm trở lại đây.
Vì vậy, việc ông Trump quyết định áp thuế đối với máy giặt nhập khẩu trên phạm vi toàn cầu là điều không quá khó hiểu. Bởi, dường như, Mỹ "đuổi" đến đâu thì các hãng sản xuất máy giặt của Hàn Quốc vẫn đang tìm được đường "thoát thân".
Tuy nhiên, sau nhiều năm bị Mỹ “rượt đuổi”, Samsung cuối cùng cũng chịu xây dựng một cơ sở sản xuất tại Mỹ, trong khi LG cũng đang xây dựng một nhà máy tại đây.
“Đây là một ngành công nghiệp có quy mô rất lớn, và các bạn sẽ phải xây dựng rất nhiều nhà máy ở Mỹ nếu muốn gia nhập thị trường này. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ tới Mỹ nếu chúng ta không làm thế này,” ông Trump nói sau khi ký quyết định áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng máy giặt nhập khẩu.
Cụ thể, Mỹ sẽ áp thuế 20% với khoảng 1,2 chiếc máy giặt nhập khẩu đầu tiên, sau đó là 50% với tất cả những máy giặt tiếp tục được nhập khẩu trong cùng năm đó. Trong hai năm tiếp theo, thuế sẽ được điều chỉnh giảm.
LG, Samsung không phải là những nạn nhân duy nhất
Mặc dù quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với máy giặt nhập khẩu của Mỹ chủ yếu nhắm vào LG và Samsung, nhưng các hãng sản xuất máy giặt ở những quốc gia khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chịu trận trước hết có thể sẽ là Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu máy giặt lớn nhất vào Mỹ hiện nay. Theo số liệu thống kê của Cục thương mại Xuất nhập khẩu Mỹ, giá trị xuất khẩu máy giặt của Việt Nam và Thái Lan trong năm 2017 (không tính tháng 12) lần lượt đạt 537,7 triệu USD và 390,9 triệu USD.
Điển hình là Tập đoàn BSH của Đức chuyên bán đồ gia dụng dưới thương hiệu Siemens và Bosch. Máy giặt mà BSH đang bán tại thị trường Mỹ được sản xuất tại Mỹ và Ba Lan, một đại diện của hãng cho biết.
Tương tự, Tập đoàn Electrolux của Thụy Điển, chuyên sản xuất đồ gia dụng cho thị trường Mỹ tại Mexico, cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đôi chút, theo nhận định của giới chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn tài chính Kepler Cheuvreux.
Hiệp hội Điện tử gia dụng Đức đã lên tiếng chỉ trích gay gắt quyết định của Mỹ, và cho rằng quyết định này sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên. “Cả ngành sản xuất máy giặt và người tiêu dùng đều không chào đón quyết định của Mỹ.”