|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

“Việt Nam phải lựa chọn thép, không còn cách nào khác”

15:34 | 20/09/2016
Chia sẻ
Đây là khẳng định của ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép trước câu hỏi “Việt Nam có cần tiếp tục sản xuất thép?” mà TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đặt ra tại Tọa đàm Thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững diễn ra sáng nay (20/9).
viet nam phai lua chon thep khong con cach nao khac
Sản xuất thép. Ảnh: Hà Nội Mới

“Việt Nam nếu không làm thép sẽ không có công nghiệp hoá”

Ông Dũng cho rằng, Việt Nam đã lựa chọn con đường phát triển đất nước bằng công nghiệp hiện đại, sẽ phải phát triển công nghiệp nền tảng, trong đó có thép.

Chủ tịch Hiệp hội thép dẫn chứng: tiêu thụ thép của Việt Nam hiện vẫn ở dưới mức trung bình của thế giới và nếu so với các nước công nghiệp là “quá thấp”.

Trung bình một năm, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ 200 kg thép, thấp hơn cả mức trung bình thế giới là 240 kg/người, trong khi tiêu chí của một nước công nghiệp phải là 500 – 600 kg/người. Thậm chí, tại Hàn Quốc, có thời kỳ phát triển nóng sản lượng tiêu thụ lên tới 1.100 kg/người.

Trước câu hỏi “Việt Nam đang thừa thép, tại sao phải sản xuất nữa?”, ông Dũng phân tích, Việt Nam chỉ thừa hai loại thép là thép dài và thép dẹt. Có những loại Việt Nam chưa sản xuất được là thép cán nóng, phôi thép tấm, thép hợp kim, thép cuộn…

Vì vậy, theo ông Dũng, có những nhà đầu tư một khi đã làm được tôn mạ sẽ nghĩ tới việc phải làm được thép cuộn để phục vụ khâu cuối của doanh nghiệp mình, đây là một nhu cầu hợp lý.

“Câu hỏi có làm thép hay không, tôi đã nghe từ chục năm nay rồi”, TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội chia sẻ. Vị đại biểu nhận định “Việt Nam nếu không làm thép sẽ không có công nghiệp hoá”.

Theo số liệu được ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng, Bộ Công Thương đưa ra tại buổi tọa đàm, hiện nay Việt Nam vẫn đang là quốc gia nhập siêu thép với sản lượng nhập lên tới 52 triệu tấn tương ứng khoảng 10 triệu USD hàng năm.

Sự cố Formosa Hà Tĩnh chỉ là hi hữu

Tuy nhiên, một vấn đề mà hầu hết diễn giả có mặt tại tọa đàm sáng nay đều tỏ ra lo ngại chính là tác động môi trường của ngành sản xuất thép, nhất là sau thảm họa cá chết hàng loạt mà Formosa đã gây ra ở duyên hải 4 tỉnh miền Trung.

Chính Chủ tịch Hiệp hội thép - ông Hồ Nghĩa Dũng cũng phải thừa nhận rằng: Nghi ngại công nghiệp thép tác động tiêu cực nhất đến môi trường là hoàn toàn đúng!

Chuyên gia Ngô Trí Phúc, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, luyện quặng thép và xỉ sau sản xuất là yếu tố dễ gây ô nhiễm môi trường nhất.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Phúc, không có vấn đề gì về môi trường mà ngành thép không xử lý được. Do nguyên liệu cho ngành thép giá thành rất cao nên các nhà sản xuất thường cố gắng tối đa hóa nguyên liệu, nên xỉ thép vẫn được dùng để làm xi măng hay để lót đường.

“Trên thế giới, các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc phát triển vẫn có nhà máy thép ngay trong khu dân cư. Tại Vịnh Tokyo, người dân vẫn đánh bắt cá xung quanh các khu nhà máy”, ông Trương Thanh Hoài chia sẻ.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sự cố Formosa Hà Tĩnh vừa qua là hi hữu xảy ra trong quá trình xây dựng, không phải quá trình vận hành.

Có mặt tại hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Tài nguyên môi trường tin rằng, sẽ có lối thoát cho môi trường nếu Nhà nước quản lý và giám sát tốt các nhà máy sản xuất thép ngay từ khâu xây dựng.

Minh Tâm - Hoàng Trang