|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam muốn thành rồng nhưng sẽ ra sao nếu toàn bụi điện than?

07:52 | 27/11/2018
Chia sẻ
Việt Nam cần cân nhắc nhiều hơn với nhiệt điện than. 'Chúng ta làm gì với thế hệ tương lai khi Việt Nam đang muốn trở thành con rồng vàng nhưng xung quanh toàn bụi than?'.

Đó là khuyến nghị của ông Oussmane Dione - giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Hội nghị cấp cao Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức chiều 26-11, đồng chủ trì bởi Bộ Công thương, Liên minh châu Âu (EU) và WB.

Tại buổi họp báo sau hội nghị, ông Đặng Hoàng An - thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định:

Giá điện sẽ theo hướng thị trường để ngành điện được hạch toán đúng và đủ, có lợi nhuận để tái đầu tư, gắn với kiểm soát chi phí, nâng cao quản trị.

Ông An cho biết theo tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh), hiện cả nước có tổng công suất nguồn điện là 46.000 MW, trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 130.000 MW. Do vậy, để bổ sung nguồn điện lên tới 84.000 MW, cần có nguồn vốn lớn cho phát triển dài hạn lên tới 148 tỉ USD.

Sẽ đa dạng vốn đầu tư, tính giá điện theo thị trường

Nhấn mạnh những giải pháp, thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng trước hết cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Theo đó, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước thì Chính phủ cũng đã nhận thấy sự tham gia của khu vực tư nhân vào điện là quan trọng.

"Đã có chính sách được ban hành để thu hút sự tham gia rộng hơn của các nhà đầu tư, giảm bớt đầu tư vốn nhà nước vào ngành điện" - ông An cho hay.

Tuy nhiên, ông An cũng nhấn mạnh là cùng với việc tăng cường đáp ứng nguồn cung thì phải kiểm soát nhu cầu. Đó là việc thực hiện có hiệu quả Luật Tiết kiệm và sử dụng năng lượng, xây dựng cơ chế bắt buộc và có chế tài đủ mạnh để sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông An cũng nhấn mạnh chỉ đạo của Chính phủ là giá điện phải theo hướng thị trường. Mục tiêu là để ngành điện hạch toán đúng và đủ, có lợi nhuận tái đầu tư phát triển, gắn với kiểm soát chi phí tối ưu, nâng cao quản trị.

Còn theo ông Oussmane Dione - giám đốc WB, trong bối cảnh thu hút vốn ODA hay đầu tư công có hạn, Việt Nam cần đa dạng nguồn vốn từ khu vực tư nhân, vốn thương mại, gắn với đầu tư chiến lược và sử dụng hiệu quả.

"Cần có tính minh bạch, đấu thầu minh bạch với công nghệ mới, có khung pháp lý để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đảm bảo các công ty điện chuẩn bị sẵn sàng tiếp cận thị trường vốn. Có cơ chế đấu thầu điện mặt trời với cơ chế giá điện, hợp đồng mua bán điện" - ông Dione nói.

Có nên phát triển nhiệt điện than?

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nguồn điện đảm bảo phát triển bền vững, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, các chuyên gia cũng có nhiều khuyến nghị đối với việc phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam.

Bởi theo thứ trưởng Bộ Công thương, nếu cho rằng những nguồn điện có nguy cơ gây ảnh hưởng và "từ chối" thì có thể tác động ngay đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi đó, nhiệt điện than nếu được đầu tư hợp lý, công nghệ tốt có thể ít ảnh hưởng môi trường. Với nhu cầu như hiện nay thì cần phải tính toán tối ưu chứ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, ông Bruno Angelet - đại sứ liên minh châu Âu tại Việt Nam - dẫn chứng EU đã giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng than sang các nguồn năng lượng tái tạo, song vẫn phát triển kinh tế tốt. Do đó, theo ông cần thay đổi suy nghĩ chỉ nước giàu mới làm được điện tái tạo.

"Quan niệm giá than rẻ là không đúng. Ở nhiều quốc gia quan điểm đó không được chấp nhận, bởi nếu tính chi phí bên ngoài như xây dựng hạ tầng vận chuyển, trợ cấp xây dựng nhà máy điện, chi phí tổn hại sức khỏe... thì hơn nhiều" - ông Angelet khuyến nghị Việt Nam cần có quan điểm táo bạo hơn trong phát triển nguồn điện.

Ông Dione cũng khuyến nghị Việt Nam cần phải "cân nhắc nhiều hơn" với nhiệt điện than. Ông đặt ra câu hỏi là "chúng ta sẽ làm gì với thế hệ tương lai, khi Việt Nam đang muốn trở thành con rồng vàng nhưng sẽ ra sao nếu xung quanh toàn bụi than?"

Theo đó, giám đốc WB tại Việt Nam khuyến nghị cần phải có chính sách để tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà, phát triển năng lượng khí, có chính sách nhập khẩu điện và cải cách ngành điện nhiều hơn...

Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) đã được tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ 2, được đồng chủ trì bởi Bộ Công thương, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới. Nội dung của Hội nghị lần này là nêu các khuyến nghị chính sách của các nhóm công tác kỹ thuật với mục tiêu thúc đẩy phát triển ngành lĩnh vực trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, tái cấu trúc ngành năng lượng, tiếp cận năng lượng, dữ liệu và thống kê năng lượng... Có khoảng 40 khuyến nghị chính sách quan trọng được đề xuất và cam kết thực hiện trong quá trình xây dựng chính sách, phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới

Xem thêm

N. An