Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Đài Loan khi đầu tư tại Đông Nam Á
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống rất tiềm năng. Vì vậy, việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong các ngành này trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp nước ngoài, trong có có các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).
Đây là thông tin được đưa ra tại "Giao lưu thương mại Việt Nam – Đài Loan ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng" diễn ra chiều 3/9 do VCCI HCM phối hợp với Cục Quản trị Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan tổ chức.
Tại buổi giao thương, ông Võ Tân Thành, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM (VCCI-HCM), cho biết Đài Loan là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Về đầu tư, Đài Loan hiện là một trong các nhà đầu tư có số dự án và số vốn đăng kí cao nhất tại Việt Nam
Tính lũy kế đến hết tháng 8/2019, Đài Loan có 2.661 dự án với gần 32 tỉ USD vốn đăng kí, đứng thứ 4/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Toàn cảnh buổi "Giao lưu thương mại Việt Nam – Đài Loan ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng". Ảnh: Như Huỳnh.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, Đài Loan có số vốn đăng kí là 939 triệu USD, đứng thứ 6/102 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
"Về hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan trong những năm gần đây cũng có nhiều bước tiến vượt bậc.
Việt Nam trở thành thị trường lớn, đầy tiềm năng của doanh nghiệp Đài Loan. Đồng thời, Đài Loan vẫn giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.
Cụ thể, tính đến tháng 7/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa song phương đạt 10,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan đạt 2,2 tỉ USD, tăng 28,83% so với cùng kì. Tuy nhiên, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đến 8,5 tỉ USD trong 7 tháng qua.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, chất dẻo, vải các loại , sắt thép các loại...
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Đài Loan gồm hàng dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ phụ tùng khác.
Do đó, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM kì vọng:
"Bên cạnh việc hợp tác đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Đài Loan cũng sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để từng bước cải thiện cán cân thương mại song phương, giảm nhập siêu từ Đài Loan".
Các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam trao đổi về sản phẩm và nhu cầu hợp tác tại buổi giao lưu. Ảnh: Như Huỳnh.
Tại buổi giao thương, 17 doanh nghiệp Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng đã giới thiệu sản phẩm và công nghệ của mình cho các nhà đầu tư quan tâm với mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam, phát triển thêm nhiều có hội kinh doanh.
Đại diện Cục Quản trị Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết Đài Loan đang thực thi "Chính sách hướng Nam mới" với thị trường mục tiêu là Đông Nam Á.
Trong đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế ổn định, sở hữu thị trường rộng lớn và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan khi đầu tư tại khu vực Đông Nam Á.
Những điểm tương đồng về tầm nhìn thương mại và văn hóa bản địa là cơ sở cho những bước tiến mới trong tương lai của mối quan hệ Việt Nam – Đài Loan.
Do đó, thông qua việc hợp tác 1:1, doanh nghiệp hai bên sẽ có cơ hội gặp gỡ, đàm phán hợp tác, từ đó mang nhiều sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng hai nước.
Tuy nhiên, thị trường này hiện có khá nhiều rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu mà doanh nghiệp cần lưu ý như thuế quan nhập khẩu đối với nông sản hiện được Đài Loan áp dụng theo mức cam kết trong WTO, cao hơn nhiều so với mức thuế quan của các thị trường có kí Hiệp định thương mại FTA với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đài Loan còn áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các nông sản cũng như sử dụng biện pháp phòng vệ đặc biệt đối với những hàng hóa có lượng nhập khẩu lũy kế vượt quá số lượng cơ bản đã qui định hoặc khi giá nhập khẩu thấp hơn giá cơ bản đã qui định.