|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam là hình mẫu kinh tế của ASEAN

11:31 | 16/01/2017
Chia sẻ
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), những nền kinh tế nhỏ nhất châu Á đều đang vượt mặt nền kinh tế lớn nhất châu Á – Trung Quốc – trên khía cạnh tốc độ tăng trưởng.

Với tốc độ gần 7%/năm, Campuchia, Lào và Myanmar sẽ thay thế Ấn Độ để trở thành các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong giai đoạn 2017-2019. Tổng quy mô của cả 3 nền kinh tế trên chỉ xấp xỉ 100 tỷ USD, tức chưa bằng 1/3 các nền kinh tế trong khi vực ASEAN như Singapore, Malaysia hay Philippines.

Nằm tại khu vực sông Mekong, các thị trường sơ khởi tại khu vực Đông Nam Á đang từng bước phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của các quốc gia trong nỗ lực vươn ra thế giới.

viet nam la hinh mau kinh te cua asean

Nhà kinh tế Eugenia Victorino tại Australia & New Zealand Banking Group nhận định rằng Việt Nam là hình mẫu kinh tế của các thị trường sơ khởi Đông Nam Á. Quốc gia với hơn 90 triệu dân đang chuyển đổi thành công nền kinh tế từ nông nghiệp sang xuất khẩu.

viet nam la hinh mau kinh te cua asean

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số nước ASEAN và Trung Quốc giai đoạn 2017-2019

Theo bà Victorino, khu vực kinh tế dọc theo sông Mekong có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm sản xuất chế tạo mới của thế giới. Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc hướng nền kinh tế tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. Chúng ta có thể thấy Myanmar, Lào và Campuchia đang bắt chước mô hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam để phát triển năng lực xuất khẩu.

Bà Victorino cho biết cả 3 quốc gia trên đều đang phụ thuộc vào Trung Quốc ở nhiều mảng, từ đường sắt cho tới bất động sản.

Sau nhiều thập kỷ biến động chính trị và chuyển đổi sang chế độ dân chủ, Myanmar đang tự do hóa nền kinh tế và áp dụng cải cách thị trường. Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar – đang xây dựng một đặc khu kinh tế, nhà máy điện và cảng biển nước sâu ở khu vực bờ biển phía Tây quốc gia này.

Global Construction Review cho biết dự án đường sắt trị giá 5,7 tỷ USD tại Lào do Trung Quốc tài trợ cuối cùng cũng được bắt đầu vào tháng 12/2016 sau thời gian dài chờ đợi.

Các nhà sản xuất chế tạo tại Trung Quốc đang chọn Campuchia là điểm đến trong quá trình tái xây dựng ngành công nghiệp – một phần trong chiến lược thúc đẩy năng lực xuất khẩu.

Thạch Thảo