Việt Nam là công xưởng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung và sự chuyển mình mạnh mẽ tại Bắc Ninh, Thái Nguyên
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công Thương tại Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.
Mặc dù trong năm qua, nền kinh tế Việt Nam chịu đòn giáng mạnh từ làn sóng COVID-19 lần thứ 4 cùng các đợt giãn cách xã hội kéo dài, song theo công bố kết quả kinh doanh năm 2021 của Samsung, doanh thu của Tập đoàn này vẫn đại 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2020. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.
Những con số này phần nào cho thấy "gã khổng lồ công nghệ" Hàn Quốc đang làm ăn rất tốt tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư của Samsung còn góp phần không nhỏ giúp hai địa phương - Thái Nguyên, Bắc Ninh, vốn có xuất phát điểm thuần nông, trở thành một hình mẫu trong thu hút đầu tư nước ngoài
Dòng vốn đầu tư của Samsung tăng gấp 29 lần sau 14 năm
Ngày 25/3/2008 là cột mốc đặc biệt đối với Samsung cũng như tỉnh Bắc Ninh, bởi đây là ngày mà dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam của Tập đoàn này - nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tới tháng 4/2008, nhà máy chính thức được khởi công xây dựng.
Tiếp theo SEV tại Bắc Ninh, vào thời điểm ngày 25/3/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức khởi công, bắt đầu hình thành khu tổ hợp công nghệ Samsung thứ hai ở Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng khẳng định cam kết biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện thoại di đông của tập đoàn.
Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm 6 nhà máy, một trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) và một đơn vị bán lẻ. Trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC (TP Hà Nội) là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Khởi đầu với tổng mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV tại Bắc Ninh, sau 14 năm, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã tăng gấp 29 lần, lên tới gần 19 tỷ USD. Đáng chú ý, số vốn đầu tư tại Bắc Ninh chiếm gần một nửa, đạt hơn 9,3 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Thái Nguyên, Samsung cũng liên tục tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Gần đây nhất, việc tăng vốn 920 triệu USD của Samsung tại nhà máy SEMV đã khiến tổng vốn đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên đạt gần 7,3 tỷ USD.
Ngoài ra, năm 2008, số lượng nhân lực chỉ gần 600 người, nhưng nay, con số này đã là 110.000 người cho riêng hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Tính tổng cộng tất cả các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, con số lên đến 160.000 người.
Quy mô GRDP Bắc Ninh tăng nhanh nhờ sự đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng
Từ địa phương thuần nông có diện tích nhỏ nhất cả nước, bắt đầu từ năm 2006, địa phương này đã bắt đầu cuộc cách mạng trong thu hút đầu tư nước ngoài với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Canon, Foxconn,... Song bước ngoặt lớn nhất chính là sự đầu tư, rót vốn của Tập đoàn Samsung.
Theo Số liệu thống kê chủ yếu thời kỳ 1997 - 2021 của Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh, nếu như thời điểm năm 1997 tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành của tỉnh đạt hơn 2.000 tỷ đồng, năm 2005 đạt mức 8.331 tỷ đồng thì tới năm 2010 - tức sau hai năm năm Samsung rót vốn, con số này đã tăng lên 38.703 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm năm 2021, quy mô GRDP của Bắc Ninh đã tăng lên hơn 227.000 tỷ đồng, gấp 113 lần năm 1997, với đóng góp phần lớn nhờ vào ngành công nghiệp - xây dựng (hơn 176.000 tỷ đồng), xếp thứ 8 về quy mô trong số 63 tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, bất chấp dịch COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 của tỉnh đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước, vượt TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng lên 79,3%.
Sự xuất hiện của Samsung trong 14 năm qua đã giúp Bắc Ninh thu hút loạt doanh nghiệp vệ tinh cùng đến đầu tư, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa và đưa địa phương này trở thành điểm sáng thu hút FDI cũng như là cứ điểm ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.
Theo số liệu Niên giám Thống kê, nếu như giai đoạn 2000 - 2007 toàn tỉnh Bắc Ninh chỉ thu hút được 66 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn thực hiện hơn 231,4 triệu USD, thì trong giai đoạn 2008 - 2020, tức giai đoạn sau khi Samsung rót vốn, con số này đã tăng lên lần lượt là gần 1.600 dự án và hơn 17.300 tỷ USD vốn FDI thực hiện.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 4/2022, tỉnh Bắc Ninh có 1.780 dự án FDI còn hiệu lực, đứng thứ 7 cả nước về tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 22,7 tỷ USD.
Bên cạnh đó, mặc dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất và dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người song thu nhập bình quân đầu người của Bắc Ninh đã vượt 6.700 USD, đứng thứ 4 cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng từ mốc 198 tỷ đồng năm 1997 lên 32.422 tỷ đồng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 20 triệu USD năm 1997 lên mức 45.200 triệu USD...
Thái Nguyên tiến nhanh hơn nhờ dòng vốn đầu tư 7,3 tỷ USD của Samsung
Với vị trí là nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Nguyên, hành trình 9 năm của Samsung tại địa phương này đã ghi nhận những dấu ấn nhất định, tác động tích cực tới tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự tăng trưởng vượt bậc trong hai năm 2014 và 2015 đã chứng minh cho "cú hích" từ dòng vốn đầu tư của Samsung cùng các vendor của tập đoàn này tại Thái Nguyên.
Cụ thể, năm 2014 tạo ra mức tăng trưởng GRDP 29,6%, năm 2015 tăng 33,2%, góp phần hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015, bình quân 5 năm đạt 15,9%. Nhìn chung, GRDP bình quân của Thái Nguyên trong giai đoạn 2013 - 2021 đạt 14,2%/năm; tăng gấp gần 7 lần so với mức 2,14%/năm trong giai đoạn 2000 - 2012.
Về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành năm 2010 của Thái Nguyên đạt gần 23,8 tỷ đồng, tuy nhiên tính sơ bộ tới năm 2020, con số này đã tăng lên hơn 116 tỷ đồng.
Sự phát triển vượt bậc của tỉnh Thái Nguyên được thể hiện rõ qua cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Trong năm 2021, khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 58,72%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,76%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,52%.
Ngoài ra, theo thống kê cho thấy giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 có tổng 92 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là các vendor của Samsung đến với Thái Nguyên, tạo ra một dòng vốn FDI chưa từng có.
Theo số liệu Niên giám Thống kê, tính từ giai đoạn 2000 - 2012, toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ có 36 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn thực hiện hơn 210 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2013 - 2020, con số này đã tăng lên lần lượt là 163 dự án và hơn 7,57 tỷ USD vốn FDI thực hiện.
Như vậy, có thể thấy rõ, kể từ năm 2013 - khi Thái Nguyên đón nhận dòng vốn đầu tư của Samsung, địa phương đã ghi nhận mức tăng hơn 4 lần về số lượng dự án FDI và gấp 36 lần về tổng vốn FDI thực hiện. Lũy kế đến tháng 4/2022, tỉnh Thái Nguyên có 194 dự án FDI còn hiệu lực, đứng thứ 11 cả nước về tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 9,8 tỷ USD.
Trong kế hoạch phát triển của Samsung, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D.
Hiện nay, Samsung đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Trung tâm R&D mới của Samsung dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT... đóng góp vào thành công chung của Việt Nam.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/