|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam được hưởng lợi gì từ căng thẳng Ấn Độ - Pakistan?

14:40 | 08/03/2019
Chia sẻ
Chè xanh và xi măng được xem là hai mặt hàng được hưởng lợi từ căng thẳng Ấn Độ - Pakistan. Nếu Pakistan quyết định áp dụng các biện pháp trả đũa thì chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

Cơ hội đến với ngành chè và xi măng Việt Nam

Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu xi măng sang Ấn độ. Bên cạnh đó, chè là mặt hàng nhập khẩu lớn của Pakistan từ Ấn độ và Việt Nam. 

Nếu Pakistan quyết định áp dụng các biện pháp trả đũa thì chè xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặt hàng chè xanh của Việt Nam xuất khẩu chính tới thị trường Pakistan trong tháng 1 với lượng chiếm tới 68,6% tổng lượng chè xanh xuất khẩu.

Cụ thể trong tháng 1, xuất khẩu chè xanh sang thị trường này đạt 3.800 tấn và trị giá 7,4 triệu USD, tăng 107% về lượng và tăng 86,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè xanh sang thị trường Pakistan đạt 1.934,6 USD/tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan leo thang

Ngày 15/2, một vụ đánh bom tự sát xảy ra tại thị trấn Pulwama thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát làm ít nhất 40 cảnh sát thiệt mạng. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố phía Pakistan có liên quan tới vụ khủng bố. 

Tuy nhiên, Chính phủ Pakistan lên án vụ khủng bố và bác bỏ tuyên bố của chính phủ Ấn Độ.

Ngay sau đó một ngày Ấn Độ tuyên bố ngừng áp dụng quy chế "tối huệ quốc" (MFN) đối với hàng hóa nhập khẩu từ hoặc có xuất xứ Pakistan. Tiếp theo đó, ngày 17/2, Ấn Độ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 200% lên toàn bộ các mặt hàng nhập khẩu từ hoặc có xuất xứ Pakistan.

Đáp lại, chính phủ Pakistan tỏ thái độ bình tĩnh. Ông Abdul Razak Dawood, Trợ Lý Thủ Tướng Pakistan kiêm Bộ Trưởng Thương mại, Công nghiệp và Dệt may tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không phản ứng thái quá. Chúng tôi có ba sự lựa chọn: Hành động đơn phương; Hành động song phương trong khuôn khổ Khu vực Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA); Hành động đa phương trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng tôi sẽ hết sức thận trọng".

Vụ khủng bố dường như không được dư luận Pakistan chú ý vì điều này diễn ra hàng ngày tại Pakistan. Các biện pháp trừng phạt của chính phủ Ấn Độ đối với Pakistan cũng dường như không được dư luận chú ý vì xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan cũng diễn ra thường xuyên. 

Cả Ấn Độ và Pakistan đều đã thi hành các chính sách trừng phạt, cô lập lẫn nhau trong cả quan hệ song phương, khu vực và đa phương. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan còn được nhiều đảng phái chính trị ở cả Ấn Độ và Pakistan khai thác để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.

Khác với các chính phủ tiền nhiệm, chính phủ Pakistan hiện nay của Thủ Tướng Imran Khan chủ trương cải thiện quan hệ với Ấn Độ để thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư phát triển kinh tế. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Pakistan và Ấn Độ năm 2018 đạt 2,4 tỉ USD trong đó Pakistan xuất khẩu 489 triệu USD, chiếm 2,24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pakistan và 0,11% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ. Ấn Độ xuất khẩu 1,99 tỷ USD, chiếm 0,65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ và 3,33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Pakistan.

Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Pakistan sang Ấn Độ là quả chà là khô, xi măng, nguyên liệu da, xăng dầu, cao lanh, dụng cụ y tế, sắt thép phế liệu. 

Ở chiều ngược lại, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Pakistan từ Ấn Độ là bông, sợi bông, phẩm nhuộm, hóa chất, nguyên liệu nhựa, phương tiện thủy, săm lốp ô tô, thép hợp kim, máy dệt, hạt giống, huyết tương, sợi tổng hợp, hương liệu, lạc, thuốc trừ sâu, khuôn đúc, bột giặt, chè, dược phẩm, cao su tổng hợp, mỡ động vật, xăng dầu, rau khô.

Như vậy có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của Pakistan sang Ấn Độ chỉ chiếm 2,24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pakistan và 0,11% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ, vì vậy tác động của các biện pháp trừng phạt của Ấn Độ là không lớn, không ảnh hưởng nhiều đến Pakistan. 

Chiều ngược lại, trừ quả chà khô là hàng tiêu dùng, các mặt hàng xuất khẩu của Pakistan sang Ấn Độ là nguyên liệu phục vụ sản xuất, do đó các biện pháp trừng phạt của Ấn Độ có khi lại gậy thiệt hại cho Ấn Độ nhiều hơn.

Có nên đầu tư vào… xi măng?Có nên đầu tư vào… xi măng? Xuất khẩu chạm mức tỷ đô, xi măng ngược dòng về đíchXuất khẩu chạm mức tỷ đô, xi măng ngược dòng về đích Thị trường xi măng Việt Nam: Tín hiệu tích cực từ gia tăng xuất khẩu vào Trung QuốcThị trường xi măng Việt Nam: Tín hiệu tích cực từ gia tăng xuất khẩu vào Trung Quốc

H.Mĩ