|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam đang làm công cho doanh nghiệp FDI'

09:28 | 21/10/2016
Chia sẻ
"Trong 10 năm qua, xuất khẩu của FDI tại Việt Nam tăng 20 điểm phần trăm, nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế chỉ tăng 3 - 4 điểm phần trăm. Đấy là nghịch lý. Việt Nam vẫn chỉ làm thuê, làm công cho doanh nghiệp FDI”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước được 128,58 tỉ USD. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm 70% kim ngạch cả nước.

viet nam dang lam cong cho doanh nghiep fdi
Ông Đậu Anh Tuấn. Ảnh VNN

"Tôi bị ám ảnh bởi 2 con số 70 - 30. Xuất khẩu của FDI chiếm hơn 70%, trong khi hơn 3 năm trước tỉ lệ này mới là 50-50.

Đầu năm có người hỏi tôi hình như tăng trưởng xuất khẩu của tư nhân âm, tất nhiên sau có cải thiện, song hiện nay, nhìn chung thành thích thuộc về FDI"

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), Đậu Anh Tuấn chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 10/2016.

Từ năm 2009 đến nay, tỉ trọng xuất khẩu của khu vực FDI so với kim ngạch xuất khẩu cả nước liên tục tăng lên, từ 42,35% lên tới 69,94 ở thời điểm tổng kết 9 tháng năm 2016.

viet nam dang lam cong cho doanh nghiep fdi
Tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) trong kim ngạch xuất khẩu. Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 9 đạt 253,44 tỉ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 3,72 tỉ USD.

viet nam dang lam cong cho doanh nghiep fdi
Chuyên gia Ngô Trí Long. Ảnh: Lao động.

"Xuất siêu không lấy gì làm mừng cả.

Xuất siêu không phải từ nội lực của doanh nghiệp trong nước mà nhờ FDI nên chỉ là hình thức chứ không phải thực trạng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và bền vững".

Thanh Niên dẫn lời TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết.

Giáo sư Nguyễn Mại lại cho rằng, FDI không chèn ép gì xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, nếu không có doanh nghiệp FDI sẽ không có xuất siêu.

Mặt khác, số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 9 tháng đầu năm 2016 đều xuất phát từ khối FDI.Việt Nam cần hành động nhanh và cấp thiết hơn để doanh nghiệp nội địa phát triển, khoan mừng với xuất siêu gần 4 tỉ USD, ông Long nhận định.

Dẫn đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu 25,95 tỉ USD, trong đó, FDI chiếm tới 98,05% (kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện của khu vực FDI đạt 25,44 tỉ USD). Đây là kết quả đạt được nhờ sự đóng góp lớn của Samsung với hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Nhóm hàng có hàm lượng FDI xấp xỉ 100% là nhóm hàng máy ảnh máy quay và linh kiện. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu 1,999 tỉ USD, trong khi khu vực trong nước chỉ có 0,011 tỉ.

viet nam dang lam cong cho doanh nghiep fdi
Top 10 nhóm hàng xuất khẩu có hàm lượng FDI cao nhất 9 tháng năm 2016. (Số liệu từ Tổng cục Hải quan).

Thậm chí, đối với các mặt hàng nông sản như hạt tiêu, cà phê, sản phẩm từ cao su … khối FDI cũng đóng góp từ 24% đến 58,3%. Các sản phẩm truyền thống như hàng gốm sứ, khối FDI cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 45,7%.

viet nam dang lam cong cho doanh nghiep fdi
Chuyên gia Bùi Trinh.Ảnh: MCT

"Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hộ cho nước ngoài do doanh nghiệp FDI phần lớn gia công ở Việt Nam hoặc nhập khẩu nguyên phụ liệu về để sản xuất rồi xuất khẩu, đồng thời hưởng nhiều ưu đãi ”. TNO dẫn phân tích của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích.

Ví dụ rõ nhất là xuất khẩu điện thoại, phần giá trị mà Việt Nam được hưởng vô cùng nhỏ. Trong 10 năm qua, xuất khẩu của FDI tại Việt Nam tăng 20 điểm phần trăm, nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế chỉ tăng 3 - 4 điểm phần trăm.

Đấy là nghịch lý. Việt Nam vẫn chỉ làm thuê, làm công cho doanh nghiệp FDI.

Tỉ trọng xuất khẩu của khối FDI lên tới 70%, nhưng chỉ góp hơn 18,7% vào GDP của cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015.

viet nam dang lam cong cho doanh nghiep fdi
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Bizlive.

"Ngành đang đóng vai trò xuất khẩu quan trọng hiện nay là dệt may. Ngành này đang cần sợi, trong khi sợi của chúng ta chưa đạt yêu cầu thì các doanh nghiệp FDI cũng đã bước vào đầu tư sợi, như nhà máy ở Nam Định.

Tôi càng lo ngại cho nền kinh tế trong nước".

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.

Thái Hoàng