|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam dẫn đầu thế giới về chỉ số chấp nhận tiền ảo

10:12 | 19/08/2021
Chia sẻ
Tỷ lệ người dân chấp nhận tiền ảo trên toàn cầu đã tăng trưởng thần tốc 881% trong năm qua, với Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan dẫn đầu danh sách, theo dữ liệu mới từ Chainalysis.

Đây là năm thứ hai công ty dữ liệu blockchain Chainalysis phát hành Chỉ số Chấp nhận Tiền ảo Toàn cầu. Các quốc gia được chấm điểm dựa trên ba chỉ số: Tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử, khối lượng giao dịch của nhà đầu tư không chuyên nghiệp và khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P). Tất cả được tính theo sức mua tương đương trên bình quân đầu người.

Chainalysis cho biết mục đích của chỉ số này là đánh giá tỷ lệ chấp nhận tiền ảo của "những người dân bình thường" và tập trung vào các trường hợp sử dụng tiền ảo để giao dịch và tiết kiệm cá nhân, thay vì để mua bán và đầu cơ. 

Qua phân tích, Chainalysis cho biết tỷ lệ người dân chấp nhận tiền ảo trên toàn cầu đã nhảy vọt hơn 881% trong năm qua. Mặc dù công ty coi các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như nhà đầu tư tổ chức là mắt xích quan trọng, họ lại muốn nêu bật lên vai trò của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Sự quan tâm của công chúng đối với tiền ảo trong năm qua gắn liền với diễn biến về giá trên thị trường. Đơn cử, giá bitcoin đã tăng hơn ba lần trong 12 tháng qua, trong khi ethereum - đồng tiền ảo lớn thứ hai thế giới, tăng khoảng 7 lần. Khá nhiều đồng tiền ảo khác cũng ghi nhận đà tăng mạnh mẽ.

Người Việt Nam ồ ạt đầu tư bitcoin, vượt các cường quốc kinh tế lớn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Việt Nam đứng đầu, Mỹ và Trung Quốc tụt hạng

Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan là ba nước đứng đầu chỉ số của năm 2021 và đa phần trong top 20 là các nền kinh tế mới nổi như Togo, Colombia và Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ trượt từ vị trí thứ 6 xuống hạng 8 và Trung Quốc, đất nước đã trấn áp thị trường tiền ảo vào đầu mùa xuân năm nay, rơi từ hạng 4 xuống vị trí thứ 13.

Theo Chainalysis, tỷ lệ này tăng cao ở các thị trường mới nổi do một số yếu tố. Khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương trên đầu người và tỷ lệ dân số sử dụng internet, các nước như Kenya, Nigeria, Việt Nam và Venezuela thường có khối lượng giao dịch khổng lồ trên các nền tảng ngang hàng P2P.

Chainalysis cho biết, nhiều người dân tại các nền kinh tế mới nổi đang sử dụng các nền tảng P2P làm cơ sở giao dịch chính, thường là do họ không thể tiếp cận vào các sàn giao dịch tập trung.

Báo cáo của Chainalysis cũng nêu rõ, rất đông người dân của các quốc gia trên còn tìm đến tiền ảo để bảo vệ tiền tiết kiệm khi đồng nội tệ bị mất giá cũng như để gửi và nhận kiều hối hoặc thực hiện giao dịch kinh doanh.

Việt Nam dẫn đầu thế giới về chỉ số chấp nhận tiền ảo - Ảnh 2.

Chia sẻ với CNBC, chuyên gia phân tích Matt Ahlborg cho biết Việt Nam là một trong các thị trường hàng đầu của Bitrefill, một công ty thẻ quà tặng bằng bitcoin.

"Việt Nam trở nên nổi bật trong mắt tôi vì đứng đầu chỉ số... Các chuyên gia nói những người trẻ, am hiểu công nghệ tại Việt Nam không có nhiều lựa chọn đầu tư. Điều này thúc đẩy họ tích cực rót vốn vào tiền ảo", ông Kim Grauer, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Chainalysis, nhấn mạnh.

Nigeria là một câu chuyện khác, ông Grauer nhấn mạnh. "Nigeria là một thị trường thương mại khổng lồ cho tiền ảo. Người dân ngày càng hòa nhập với thế giới tiền ảo, họ còn giao dịch quốc tế với các đối tác tại Trung Quốc", Giám đốc Grauer giải thích.

Báo cáo của Chainalysis kết luận: "Khối lượng giao dịch ngày càng lớn tại các sàn tập trung và sự bùng nổ của những nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) đang thúc đẩy tỷ lệ đầu tư tiền ảo ở các nước đang phát triển cũng như ở những thị trường vốn đã quen thuộc với tiền ảo".

"Trong khi đó, các nền tảng P2P lại tạo ra làn sóng sử dụng tiền ảo mới tại các thị trường mới nổi", Chainalysis tiếp tục.

"Câu hỏi lớn nhất của chúng tôi trong 12 tháng tới là tỷ lệ sử dụng tiền ảo trên các nền tảng hiện có so với các mô hình mới mà chúng tôi chưa từng thấy sẽ như thế nào?", Chainalysis cho hay.

Khả Nhân