|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đã vượt qua đại dịch SARS năm 2003 như thế nào?

16:35 | 12/03/2020
Chia sẻ
17 năm trước, 5 bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) đã qua đời tại bệnh viện trong cuộc chiến với đại dịch SARS.

Những ngày căng thẳng

Cách đây 17 năm (2003) cả thế giới và Việt Nam đã vượt qua đại dịch SARS trong bối cảnh căng thẳng không kém với dịch COVID-19 hiện nay mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công nhận nó là đại dịch toàn cầu.

Hội chứng hô cấp cấp tính nặng (SARS) đã xuất hiện vào tháng 11/2002 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch SARS đã bao trùm 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, 8.422 người mắc bệnh, trong đó có hơn 900 người chết. Nhiều nhất phải kể đến Trung Quốc với hơn 5.300 người nhiễm bệnh, trong đó có 349 người chết.

Các triệu chứng của SARS bao gồm sốt rét, đau nhức cơ thể và tiến triển thành viêm phổi cấp.

Việt Nam đã vượt qua đại dịch SARS năm 2003 như thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh viện Việt Pháp phải cách li trong những ngày căng thẳng vì dịch SARS. (Ảnh: Tuổi trẻ online)

Ngày 26/2/2003 có thể coi là ngày bệnh SARS chính thức xâm nhập vào Việt Nam, với bệnh nhân đầu tiên là ông Johnie Chun Cheng (người Mỹ, gốc Hong Kong) nhập viện tại Bệnh viện Việt - Pháp với những triệu chứng sốt cao, ho khan và đau cơ. Trước khi tới Hà Nội, doanh nhân này đã qua Hong Kong (Trung Quốc).

Do chưa được cảnh báo trước, các bác sĩ của Bệnh viện Việt - Pháp đã sử dụng phác đồ điều trị cúm cho bệnh nhân này. Điều trị một thời gian, người đàn ông này không có dấu hiệu tiến triển nên người nhà đưa ông về nước.

Vài ngày sau khi có bệnh nhân SARS đầu tiên, đến ngày 4/3 đã có 6 nhân viên y tế Việt Nam có tiếp xúc với bệnh nhân phải nhập viện vì sốt cao.

Nhận thấy đây là một bệnh lạ nguy hiểm, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với WHO để kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam cũng đã áp dụng hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc.

Thế nhưng con số bệnh nhân tại Việt Nam vẫn không dừng lại ở đó mà tiếp tục tăng lên 37 trường hợp, chủ yếu là các bác sĩ, y tá, nhân viên của bệnh viện Việt – Pháp.

Ngày 26/2/2003, bác sĩ Carlo Urbani (người Italy, bác sĩ của WHO tại Việt Nam) đặt chân đến Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội). Ông là người đầu tiên nhận diện được virus SARS và ngay lập tức cảnh báo cho WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào cách li ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thế nhưng, vào những ngày cuối tháng 3/2003, vị bác sĩ này – một trong những người hùng trong cuộc chiến chống SARS năm ấy đã qua đời tại Thái Lan do nhiễm SARS từ Việt Nam.

Đến 13/3/2003, Tổ chức Y tế thế giới mới thông báo xác định căn bệnh mới có tên SARS - hội chứng viêm phổi không điển hình do virus. Tiếp đó, ngày 15/3/2003, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát cảnh báo khẩn cấp về đi lại liên quan dịch bệnh, tuyên bố SARS là nguy cơ sức khỏe toàn cầu.

Trước tình huống khẩn cấp, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, nay là Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ trực tiếp thu nhận và điều trị bệnh nhân SARS từ Bệnh viện Việt - Pháp chuyển sang. Ngay lập tức, viện quyết định thực hiện chế độ cách li nghiêm ngặt.

Đến ngày 8/4/2003, Việt Nam không xuất hiện bệnh nhân SARS mới. Bệnh viện Việt - Pháp bị cách li, đóng cửa với 65 người nhiễm, 5 y bác sĩ và điều dưỡng đã qua đời trong cuộc chiến chống đại dịch SARS.

Sau đó 20 ngày (ngày 28/4/2003), Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã khống chế được bệnh SARS. Hầu hết những người qua đời trong dịch SARS năm đó tại Việt Nam là nhân viên y tế. Cho đến nay, gần như chưa có trận dịch nào khiến nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh và qua đời như dịch SARS 17 năm về trước.

Ở giai đoạn sau dịch, khi bệnh nhân được chuyển hết sang Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (hiện nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), đã không có thêm bệnh nhân SARS nào tử vong.

Đến ngày 5/7/2003, WHO cũng chính thức thông báo chuỗi lây truyền SARS cuối cùng ở người sang người đã bị cắt đứt.

6 tháng sau kể từ thời điểm Việt Nam không xuất hiện bệnh nhân SARS mới (tháng 4/2003), Bệnh viện Việt - Pháp mới mở cửa hoạt động trở lại và đón nhận người dân tới khám chữa bệnh sau khi đã tẩy trùng, khử khuẩn đảm bảo an toàn sau cơn bão dịch SARS.

Lời kể của nhân chứng

Trả lời báoTuổi trẻ online cách đây không lâu, bác sĩ Võ Văn Bản, thời điểm đó là phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội cho biết, ông vẫn nhớ từng mốc thời gian khi đại dịch SARS xuất hiện tại Việt Nam.

Bác sĩ Bản kể lại, ông Chen vào Bệnh viện Việt Pháp điều trị chứng sốt, ho và bệnh tiến triển rất nhanh, rất lạ. Ban đầu, mọi người đánh giá bệnh nhân nhiễm cúm. Đến ngày 27/2, kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân mắc chứng viêm phổi không điển hình liên quan đến virus, nhưng đó là virus gì, nguy cơ ra sao, lây như thế nào... thì chưa ai biết.

"Chỉ vài ngày sau bệnh nhân đầu tiên, đến ngày 2/3 đã có hàng loạt nhân viên bệnh viện trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân hoặc làm việc ở khu vực lân cận phòng bệnh của bệnh nhân đều bị lây bệnh. Những người bị lây bệnh đầu tiên là những người nặng nhất.

"Chúng tôi đã mường tượng đây là một vụ dịch, nhiều người nhiễm cùng lúc, đến 8/3 tình hình lây lan tiếp tục gia tăng", bác sĩ Bản nhớ lại.

Những ngày sau đó, bệnh viện đóng cửa để điều trị cho bệnh nhân chính là 35 cán bộ y tế, sau đó 5 bác sĩ và điều dưỡng cả người Pháp và người Việt tử vong.

Đặc biệt, một bác sĩ Pháp làm việc tại bệnh viện nằm trong nhóm nhân viên bị lây bệnh đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng khi ông mang tro cốt của bác sĩ Bội (bác sĩ Pháp gốc Việt qua đời vì bệnh SARS) về Pháp thì cũng qua đời tại Pháp vì liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch do mắc SARS.

Tại bệnh viện còn nhiều nhân viên y tế bệnh nặng, trong số đó có điều dưỡng Nguyễn Thị Mến. Chị Mến là bạn thân của hai điều dưỡng Uyên và Lượng, cả ba người cùng mắc bệnh và hai chị Uyên, Lượng đã qua đời. Còn chị Mến cũng hôn mê gần 1 tháng và rất may được cứu sống.

Ông Bản chính là người đã ký giấy chứng tử cho cả 5 bác sĩ và điều dưỡng qua đời do SARS tại bệnh viện mình.

Bài học cho Việt Nam

Là một trong 25 nước hứng chịu dịch bệnh với 65 người bị nhiễm, 5 người tử vong, ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc 45 ngày kinh hoàng chống SARS.

Trả lời báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương lúc đó là Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) tin rằng, điểm quan trọng trong công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 là sự phối hợp tốt của cả cộng đồng, giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.

Bởi trên thế giới có những vụ dịch mà đến vài ba thế kỷ sau cũng chưa biết căn nguyên là gì, trong khi đại dịch này ở Việt Nam từ lúc công bố bệnh lạ đến khi tìm ra virus SARS chỉ hơn một tháng.

Cũng theo bác sĩ Hà, từ sau dịch SARS, Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, rồi trang bị các phương tiện điều trị, hỗ trợ ngày một đầy đủ hơn, trình độ kĩ thuật viên chuyên ngành hồi sức cũng được nâng lên...

Hệ thống giám sát phòng dịch được xây dựng từ trung ương đến địa phương, chỉ cần thông báo có một ca bệnh nguy hiểm là ngay lập tức có người đến điều tra, giám sát những người tiếp xúc với ca bệnh.

Đến nay, đã hơn 17 năm, toàn thế giới không ghi nhận thêm bất kì ca nhiễm SARS nào nhưng những bài học đắt giá mà nó để lại vẫn được áp dụng trong thực tiễn như những chiếc camera ghi nhận nhiệt độ cơ thể tại sân bay để phát hiện người sốt, những chiếc khẩu trang khi nhiễm cúm,…

Theo số liệu thống kê của WHO, dịch SARS đã cướp đi 774 sinh mạng trên toàn thế giới. Trung Quốc đại lục và Hong Kong trả giá nặng nhất với lần lượt 349 người và 299 người tử vong.

Theo ước tính của WHO, dịch SARS gây thiệt hại khoảng 54 tỉ USD bao gồm doanh thu giảm trong ngành du lịch (giảm 80% ở Trung Quốc) cũng như các hãng hàng không, nhà hàng, công ty du lịch, giới tài xế tắc xi (giảm 50%).

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố dịch SARS đã gây thiệt hại 18 tỉ USD cho châu Á.

Hà Lê (tổng hợp)