Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, nhất là khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước, theo Báo Chính phủ.
Hiện Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử. Nước ta cũng là nơi có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel, với nguồn vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Nhà máy này hiện chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn cầu của Intel.
"Ba yếu tố chính để chúng tôi sản xuất tại Việt Nam là môi trường chính trị - xã hội ổn định cao, chính phủ không ngừng mở rộng các hiệp định thương mại tự do và nguồn lao động dồi dào", ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch Intel Products Viet Nam Co. Ltd.
Ngoài Intel, nhiều tập đoàn điện tử nổi tiếng thế giới khác như Samsung, LG, Apple đều có nhà máy và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Samsung gần đây đã công bố kế hoạch sản xuất chất bán dẫn từ tháng 7 năm sau với khoản đầu tư bổ sung lên tới 920 triệu USD.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khi Mỹ vừa ban hành Đạo luật Chip trị giá 52 tỷ USD để hỗ trợ ngành sản xuất chip của nước này, các nước trong chuỗi cung ứng như Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để tham gia và phát triển.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đàm phán với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để đạt được các thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Từ đó, Việt Nam có thể tiến tới tự chủ hoàn toàn các khâu thiết yếu trong quy trình sản xuất chất bán dẫn, mở ra một trang mới cho công nghệ hỗ trợ của nước nhà.