Việt Nam có nhà máy đầu tiên chế biến cát biển thành cát xây
Trước khi hoạt động, đầu năm 2019, kỹ sư Võ Tấn Dũng đã tiến hành thử nghiệm, có sự thẩm định của các chuyên gia Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) nguồn cát nguyên khai vùng biển Phú Quốc đưa vào chế biến cho ra sản phẩm cát đạt tiêu chuẩn cát xây dựng.
Kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy, cát nhiễm mặn tại Phú Quốc có hàm lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ khá cao và hàm lượng ion Clo (Cl-) là 0,38%. Sau khi được lọc rửa bằng công nghệ Phan Thành, lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ, hàm lượng Cl- đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông, vữa.
Dây chuyền chế biến cát biển thành cát xây dựng do kỹ sư Võ Tấn Dũng sáng chế.
"Các yếu tố gây hại còn lại trong cát biển nguyên khai như hàm lượng Cl-, bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và thành phần hạt mịn thì qua dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch đều xử lý được; chống tình trạng hút ẩm, rộp bê tông, ăn mòn bê tông cốt thép từ việc sử dụng cát biển", ông Nguyễn Đức Thắng - nguyên Giám đốc phân Viện chuyên ngành bê tông nhận xét.
Kỹ sư Võ Tấn Dũng kỳ vọng việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng sẽ góp phần khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường; đáp ứng yêu cầu tận dụng nguồn cát biển đưa vào phục vụ xây dựng.
Đầu năm 2019, trong Quyết định 126 phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025, Thủ tướng đã đề cập việc đầu tư cơ sở tuyển rửa, chế biến và sử dụng nguồn cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng công trình ven biển và hải đảo; sản xuất phát triển các loại phụ gia sử dụng cát biển, nước biển nhằm thay thế cát xây dựng khai thác từ sông, suối, lòng sông.