|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam chi hơn 2 tỷ nhập thức ăn chăn nuôi trong 9 tháng

16:15 | 19/10/2016
Chia sẻ
9 tháng đầu năm, Việt Nam chi 2,4 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong chăn nuôi, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên nhập khẩu ngô, đậu tương, lúa mì vẫn tăng cao.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, nhập khẩu ngô 9 tháng đầu năm tăng 14,9% về lượng và 1,2% giá trị, đậu tương giảm 12% về lượng và 19% giá trị, lúa mì tăng mạnh nhất với 85% về lượng và 49% về giá trị. Việt Nam nhập khẩu ngô nhiều nhất tại Brazil và Argentina.

viet nam chi hon 2 ty nhap thuc an chan nuoi trong 9 thang
Khối lượng và giá trị nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam 9 tháng đầu năm

Bộ NN&PTNT nhận định, do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán kéo dài nên kết quả gieo trồng các loại màu lương thực chủ lực trong 9 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ. Tính đến giữa tháng 9, diện tích gieo trồng các loại cây lương thực có nhiều thay đổi, trong đó, diện tích cây sắn giảm mạnh nhất với 12%, ngô giảm 0,1%, ngược lại diện tích đậu các loại tăng 9,1%.

viet nam chi hon 2 ty nhap thuc an chan nuoi trong 9 thang
Diện tích gieo trồng cây lương thực trong tháng 9

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng qua Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tại 3 thị trường lớn, trong đó Argentina chiếm hơn 46%, Mỹ chiếm 10,8% và Trung Quốc chiếm 8,8%.

viet nam chi hon 2 ty nhap thuc an chan nuoi trong 9 thang
Tình hình nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 9 tháng đầu năm

Tạp chí Chăn nuôi dẫn lời Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sẽ còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm, khi các chủ trại chăn nuôi tăng đàn để bán trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng theo nguồn tin từ Thông tấn xã, so với các nước, Việt Nam không có lợi thế trồng các loại cây lương thực như đậu tương, ngô để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, các cây trồng biến đổi gen cũng cho năng suất thấp và ít được ứng dụng đại trà. Các doanh nghiệp sản xuất cũng chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các nước như Mỹ, Brazil, Canada với số lượng lớn.

Thông tấn xã cho hay chăn nuôi gia súc hàng năm cần 4 - 5 triệu tấn khô dầu các loại thì Việt Nam phải nhập khẩu 100%. Ngô cũng thường xuyên thiếu phải nhập khẩu khoảng 50%. Sản lượng đậu tương hiện chưa đủ để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, chưa nói tới làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Hồng Vũ