Việt Nam chi 4,4 tỷ USD nhập khẩu 10,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc năm 2016
Tổng lượng sắt thép nhập khẩu các loại trong năm 2016 của Việt Nam đạt 18,37 triệu tấn trị giá 4,81 tỷ USD. Tổng cục Hải quan cho biết số lượng nhập khẩu sắt thép năm nay tăng 26,7% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép đạt 2,95 tỷ USD, giảm 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu phế liệu sắt thép khoảng 3,89 triệu tấn, trị giá 827 triệu USD, tăn 22,4% về lượng và 7,1% về trị giá.
Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam nhập khẩu sắt thép nhiều nhất. Năm 2016 Việt Nam nhập từ thị trường này 10,85 triệu tấn, trị giá 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Biểu đồ sản lượng và trị giá nhập khẩu thép từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc |
Theo tính toán, riêng sản phẩm sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 59% tổng sản lượng nhập khẩu thép vào Việt Nam trong năm qua.
Ngoài ra nhập khẩu sắt thép từ Nhật Bản đạt 2,64 triệu tấn, trị giá gần 1,19 tỷ USD, tăng 2,2% về lượng và 6,4% về trị giá.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá gần 1,01 tỷ USD, tăng 3,16% về lượng và giảm 3,37% về trị giá.
Hiện nay Việt Nam đang có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu sắt thép ồ ạt vào Việt Nam. Năm 2016 đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ đối với phôi thép và thép dài, tự vệ đối với tôn màu; chống bán phá giá đối với tôn mạ và sản phẩm thép hình chữ H.
Hiệp hội thép Việt Nam đang nỗ lực ngăn chặn thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Mới đây Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên tham vấn lấy ý kiến các bên trước khi đưa ra biện pháp áp thuế tự vệ thép mạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng những dấu hiệu hành vi bán phá giá của thép mạ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tại quyết định cuối cùng, rà soát lại hồ sơ, dữ liệu của các doanh nghiệp bị điều tra bảo đảm việc tính toán biên độ phá giá chính xác (theo đại diện của nhà sản xuất trong nước mức thế chống bán phá giá sơ bộ là thấp) và xem xét áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực cho giai đoạn 90 ngày trước ngày áp thuế sơ bộ.