Việt Nam cần làm gì để thu hút FDI thế hệ mới?
Mới đây, tại tỉnh Bình Dương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.
Đây là chuyến khảo sát địa phương cuối cùng sau các đợt đi Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội để Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030 trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 4/2019.
Ảnh minh họa. |
Tại hội nghị, vấn đề FDI thế hệ mới cũng được nhiều đại biểu quan tâm và bàn đến. Theo đó, FDI thế hệ mới được hiểu là dòng vốn FDI đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D), năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết hiện nay FDI chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất chứ chưa đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển...
Trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất đi nên Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI “thế hệ mới”, với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước và liên kết được 2 khối này với nhau.
“Muốn có thế hệ FDI mới, đòi hỏi Việt Nam phải tạo ra sự chuyển dịch thu hút chiến lược ở các khối ngành khác nhau, mang tính tổng thể chứ không căn cứ vào các doanh nghiệp FDI cụ thể. Ưu đãi từ thuế nên chuyển sang ưu đãi thông qua hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng, chuyển từ cung cấp dịch vụ sang vừa cung cấp dịch vụ nhưng mang tính tập trung và thúc đẩy hơn việc bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp FDI, tận dụng hiệu quả các hiệp định tự do thương mại”, ông Kyle Kelhofer nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc Youngsup Joo cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng “phiên bản 2.0” về thu hút FDI, tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thu hút FDI theo “chiều ngang”.
"Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam không còn là “nhà thầu phụ” nữa mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất và hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu", ông Youngsup Joo nhấn mạnh.
Đánh giá cao các ý kiến trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TP HCM để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”; chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.
Phó Thủ tướng cũng nêu các giải pháp cần đưa ra để thu hút vốn FDI, trong đó đặc biệt là FDI thế hệ mới như xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước.
“Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Thông tin tại hội nghị cũng cho biết, lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD.
Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNTAD) đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Xem thêm |