Thu hút FDI thế hệ mới: Đích ngắm là nhà đầu tư Mỹ và EU
Mấu chốt nằm ở Mỹ và EU
Một khuyến nghị rất đáng chú ý được nhóm chuyên gia xây dựng Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030 là, dù đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng phải thu thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI, đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.
Tập đoàn GE (Mỹ) đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lũy kế đến hết tháng 3/2018, Việt Nam đã thu hút được 59 tỷ USD từ Hàn Quốc, 49,8 tỷ USD từ Nhật Bản, nhưng chỉ thu hút được 9,9 tỷ USD từ Mỹ. Trong khi đó, đầu tư từ EU vào Việt Nam còn thấp. Đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong số các nước thành viên EU là Hà Lan (8,3 tỷ USD), Pháp (gần 2,8 tỷ USD), Luxembourg (2,3 tỷ USD), Đức (gần 1,8 tỷ USD)…
Câu chuyện nằm ở chỗ, lâu nay, cả Mỹ lẫn EU đều tuyên bố sẽ trở thành những nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Nhưng thực tế diễn ra không được như kỳ vọng. “Tổng kết 30 năm thu hút FDI, chúng ta phải làm rõ, vì sao FDI từ Mỹ và EU vào Việt Nam còn hạn chế như vậy”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), khi xây dựng Dự thảo, lại có góc nhìn lạc quan hơn. Theo Dự thảo, dù các bên liên quan đều cho rằng, Việt Nam chưa đạt hiệu quả tốt trong thu hút FDI từ EU và Mỹ, nhưng cơ sở dữ liệu của FDImarkets không cho thấy như vậy.
Cụ thể, so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam thu hút FDI từ EU hiệu quả hơn. Chỉ có Malaysia có kết quả tốt hơn đôi chút, còn Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đứng sau Việt Nam về số lượng dự án đăng ký trong 14 năm qua. Tương tự, đối với FDI từ Mỹ, trong nhóm các quốc gia tương đương, Philippines thu hút tỷ trọng lớn hơn, sau đó đến Malaysia, nhưng Việt Nam vẫn có kết quả tốt hơn Thái Lan và Indonesia.
Tuy thế, một thực tế không thể phủ nhận là, vốn FDI từ Mỹ và EU chưa được như kỳ vọng và theo quan điểm của GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong chiến lược thu hút FDI tới đây, không phải là tìm “lời giải” đối với với Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà phải là Mỹ và EU. “Làm sao phải kéo được các nhà đầu tư này vào, nếu không, chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á, kể cả từ Trung Quốc - vốn đang có nhiều vấn đề”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Liệu Việt Nam có “cửa”?
Dù mong muốn thu hút FDI từ Mỹ và EU, nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu Việt Nam có “cửa” để kéo dòng vốn từ các thị trường này vào hay không?
Câu trả lời vẫn được nhắc tới lâu nay là có, ít nhất từ những tuyên bố của các nhà đầu tư Mỹ và EU, rằng họ luôn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
“Mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam mang đến cơ hội ưu tiên tiếp cận các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Điều này không chỉ có vai trò quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam, mà còn hấp dẫn FDI. Về lý thuyết, các nhà đầu tư nhóm tìm kiếm hiệu quả sẽ hướng đến việc sản xuất những hàng hóa hoặc dịch vụ ở Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường thứ ba”, Dự thảo Chiến lược viết, đồng thời cho rằng, khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, cơ hội tăng cường thu hút FDI từ EU là không hề nhỏ.
Tương tự, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, tuy thiếu Mỹ, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ các thị trường này. Riêng với Mỹ, một hiệp định song phương, hoặc khả năng Mỹ quay lại với CPTPP cũng đang tạo cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ Mỹ.
Song cũng phải thấy rằng, dù cơ hội vẫn mở ra, nhưng quan trọng là, liệu Việt Nam có tận dụng được các cơ hội đó hay không, nhất là khi nguyên nhân vì sao Việt Nam thu hút FDI từ Mỹ và EU còn hạn chế chưa thực sự được mổ xẻ thấu đáo.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt từng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, nhà đầu tư Mỹ và EU rất quan tâm đến Việt Nam, nhưng ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á, vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi những đòi hỏi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hóa khiến họ phải cân nhắc.
Còn ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch KorCham thì nhận xét rằng, khi các nhà đầu tư EU vào Việt Nam, họ rất quan tâm đến những câu chuyện tưởng chừng đơn giản như có đủ khách sạn tốt cho họ ở không, chất lượng nguồn nhân lực ra sao...
“Các nhà đầu tư sẽ so sánh xem cùng một đồng tiền thì đầu tư vào thị trường nào dễ dàng hơn, thủ tục đầu tư, thủ tục visa thuận lợi không”, vị này nói.
Có thể, đó chính là những điều Việt Nam cần chuẩn bị để thu hút nhiều hơn FDI từ Mỹ và EU.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/