|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam cái gì cũng tốt, nhưng vì sao thị trường chứng khoán lại không tốt?

14:25 | 06/01/2020
Chia sẻ
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán yếu ớt trong năm vừa qua không chỉ khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, ngay cả các chuyên gia về kinh tế vĩ mô cũng đặc biệt quan tâm đến thực trạng này.

Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tiếp nhận những thông tin vĩ mô tích cực trong nước như GDP tăng vượt kì vọng, CPI thấp, kí kết hiệp định thương mại EVFTA, NHNN cắt giảm lãi suất, Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua hay sự ra đời của các sản phẩm mới...

Thế nhưng, VNIndex những tháng cuối năm đi ngược xu hướng tăng điểm mạnh của các chỉ số MSCI khu vực phát triển và mới nổi. Thanh khoản bình quân trên HSX và HNX đạt 4.444 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 6.283 tỷ đồng/phiên trong 2018, tương ứng với mức giảm -29,3%.

Dòng tiền vào thị trường yếu ớt trong năm qua không chỉ khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, ngay cả các chuyên gia kinh tế vĩ mô cũng đặc biệt quan tâm đến thực trạng này.

"Việt Nam năm vừa rồi cái gì cũng tốt, nhưng vì sao thị trường chứng khoán không tốt?" TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 do Ban Kinh tế Trung ương & Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì, Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO), Diễn đàn đầu tư BizLive.vn tổ chức sáng 6/1.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng quy mô kinh tế của Việt Nam tăng nhanh, lần đầu tiên lọt top 50 nền kinh tế thế giới xét về quy mô nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển, tốc độ phát triển của doanh nghiệp lớn có quy mô rất nhanh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang sinh sôi.

Mặc dù vậy, theo ông Lộc, 2020 tiếp tục là năm gian nan, khó khăn, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khoẻ của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có vấn đề. 

Ông Lộc dẫn chứng, tăng trưởng của 2019 cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mà không báo lãi. 

"Tôi cho rằng, có vấn đề về niềm tin đối với các nhà đầu tư đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam", TS. Võ Trí Thành đặc biệt lưu ý nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 có thể diễn tiến theo chiều hướng bất lợi.

Năm 2019, theo TS. Võ Trí Thành đánh giá còn tồn tại rất nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề cải cách đã không đạt được như kì vọng; đầu tư công tắc, hấp thụ vốn của nền kinh tế rất nhiều khó khăn do thể chế; hạ tầng 5 năm chưa có dự án lớn nào được triển khai.

Chính những điều này khiến ông Thành lo ngại Việt Nam có thể đi vào giai đoạn giảm tốc trong năm 2020. Đặc biệt, lạm phát có nguy cơ tăng cao, rất có khả năng tăng bình quân 4% trong quí I năm nay.

Theo đó, TS. Võ Trí Thành đánh giá năm 2020 là năm không có từ "bứt phá", thay vào đó là cụm từ "trách nhiệm, hành động".

Đồng tình với những lo ngại của ông Thành, TS Trần Du Lịch nêu rõ những tồn tại lâu nay là một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nợ, đe dọa cả nền kinh tế.

"Tôi e ngại nợ quốc gia, tức là nợ ngoại tệ phải trả hàng năm. 5 năm trước gặp nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn và hiện nay gặp họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở không tiếp cận ở vốn", TS Trần Du Lịch nói.

Vị này cho rằng năm 2020, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn và những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực", ông Lịch nói. 

Một điểm sáng có thể kì vọng năm 2020 đó chính là nút thắt đầu tư công có thể được tháo gỡ. Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng năm 2019 động lực bị tắc nghẽn lớn nhất là đầu tư công nhưng năm 2020 các điểm nghẽn này sẽ được giải quyết.

"Năm 2018 ra Nghị định 20 có hiệu lực chỉ còn một tháng, đến 2019 đã được giải quyết và năm 2020 có thể tăng giải ngân đầu tư công đồng thời kích hoạt được dòng vốn tư nhân", ông Nguyễn Tú Anh kì vọng những thủ tục vướng mắc của 2019 đã được giải quyết nên 2020 vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn.

Huy Nguyên