|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Viện trưởng VEPR: Lo ngại về kĩ năng của lao động Việt

08:52 | 13/10/2019
Chia sẻ
Một chỉ số mà Việt Nam xếp ở thứ hạng rất thấp đó là kĩ năng của người lao động. Đây là mối lo ngại bởi nó quyết định các hoạt động kinh tế dài hạn.

Vừa qua, diễn đàn kinh tế thế giới đã công bố "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019". Trong đó, với 61,5 điểm tăng 3,5 điểm so với năm 2018, thứ hạng của Việt Nam tăng mạnh tới 10 bậc và đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 67/141 quốc gia trong bảng xếp hạng.

Nhìn nhận về kết quả ấn tượng này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc Việt Nam tăng 10 bậc là một yếu tố rất tích cực trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực không tăng, thậm chí còn giảm bậc.

"Có 6 lý do khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng mạnh. Về thể chế, tính độc lập của khối tư pháp đã được tăng lên và sở hữu trí tuệ cũng được đảm bảo hơn so với trước đây", TS. Lực phân tích.

Cũng theo ông Lực, xếp hạng của chỉ số cơ sở hạ tầng tăng 9 bậc, báo cáo từ diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá cao hạ tầng đường bộ của Việt Nam nhất là hệ thống kết nối với cầu cảng, sân bay. Ổn định kinh tế vĩ mô gần như được điểm tối đa, lạm phát ở mức rất thấp, dưới 3%, tỷ giá cũng tương đối ổn định trong bối cảnh thế giới bất định.

Viện trưởng VEPR: Lo ngại về kỹ năng của lao động Việt - Ảnh 1.

 TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng

Ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam cũng tiến bộ vượt bậc trong năm vừa qua, tăng 54 bậc, từ bậc 95 trước đây lên bậc thứ 41. Đây là một điểm rất đáng phấn khởi cho các bộ, ngành, doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển kinh tế số.

Hệ thống tài chính cũng có hai điểm tích cực: Quy mô của hệ thống tín dũng đã được kiểm soát ở mức phù hợp hơn, không tăng nóng như trước đây. Quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán cũng được ghi nhận tích cực.

Quy mô thị trường của Việt Nam cũng tăng điểm nhẹ. Điều này chủ yếu là do quy mô dân số của Việt Nam lớn tới 96,97 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cũng đang tăng trưởng.

Tuy nhiên, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cũng chỉ ra 7 điểm hạn chế của Việt Nam cần phải khắc phục trong thời gian tới, bao gồm: Sự minh bạch về hệ thống ngân sách, tự do báo chí, tham nhũng, quản trị doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, thị trường hàng hoá và thị trường lao động nhất là trình độ kỹ năng.

Sinh viên mới ra trường của Việt Nam đang bị xếp ở mức 116/141 quốc gia về kỹ năng, đây là minh chứng rất rõ ràng về điểm yếu ở kỹ năng lao động của Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực thẳng thắn chỉ ra.

Viện trưởng VEPR: Lo ngại về kỹ năng của lao động Việt - Ảnh 2.

 PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Vẫn kém nhiều nước ASEAN

PGS.TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì cho rằng, việc tăng tới 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh là một bước tiến đáng kể nhưng so với các nước trong khu vực chúng ta vẫn còn cách rất xa về số điểm xếp hạng tuyệt đối.

Nhìn vào các chỉ số xếp hạng của diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam có những lợi thế gần như là tuyệt đối nằm ở môi trường chính trị an ninh ổn định. Ngoài ra, Việt Nam cũng có sự cải thiện trong các khía cạnh về quản lý nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô,… Đó là những điều Việt Nam đạt được trong những năm vừa rồi.

Tuy nhiên, có một chỉ số mà Việt Nam xếp ở thứ hạng rất thấp đó là về kỹ năng của người lao động. Việc chỉ số này xếp ở thứ hạng thấp là mối lo ngại của chúng ta bởi nó quyết định các hoạt động kinh tế dài hạn của Việt Nam và thể hiện phúc lợi của người lao động chưa được tốt.

Nhìn vào bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam vốn xuất phát ở thứ hạng rất thấp. Điều này cho thấy, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và để mỗi năm năng lực cạnh tranh tăng được vài bậc, sau một thập kỷ mới có thể tiến tới so sánh với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia hay Philippines.

Hạ An