|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việc 50% kim ngạch xuất khẩu tập trung vào 3 thị trường chính là nguy cơ với nền kinh tế

06:51 | 20/04/2017
Chia sẻ
Xuất khẩu quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và tập trung vào các thị trường quen là nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt.
nguy co khi 3 thi truong chinh chiem phan nua kim ngach xuat khau
Nguy cơ phụ thuộc xuất nhập khẩu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thị trường quá tập trung

"Thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng nhưng có mức độ tập trung vào các thị trường chính cao, xu hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chậm. Đây là nguy cơ đối với nền kinh tế Việt Nam", ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Market Intello nhận định.

Theo báo cáo của Market Intello, hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có mặt tại trên 200 quốc gia trên thế giới. Các thị trường lớn nhất theo giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011 – 2015 là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hong Kong, Malaysia, UAE, Anh và Australia.

nguy co khi 3 thi truong chinh chiem phan nua kim ngach xuat khau
Tỷ trọng xuất khẩu của các thị trường chính. (Nguồn: Market Intello/ Tổng cục Hải quan).

Châu Á là khu vực xuất khẩu chính của Việt Nam với tỷ trọng 49,4% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015, trong đó Trung Quốc và ASEAN vẫn là các đối tác chính. Năm 2016, trong khi tăng trưởng xuất khẩu cả nước là 8,6%, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ lần lượt tăng tới 26,5% và 14,5%.

Mức độ tập trung xuất khẩu vào các thị trường chính gần như không thay đổi thậm chí là có phần tăng cao trong những năm vừa qua. Trong số các thị trường xuất khẩu năm 2016, số thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là 28 thị trường với tổng kim ngạch 160,8 tỷ USD, chiếm 91% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

So với năm 2015, danh sách trên giảm một thị trường là Nam Phi, chỉ đạt kim ngạch 868,8 triệu USD. Trong khi số lượng thị trường lớn giảm, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tới 3 và 5 thị trường hàng đầu tăng mạnh trong năm 2016 cho thấy mức độ tập trung cao hơn vào các đối tác thương mại trọng tâm.

"Những dấu hiệu trên cho thấy nhiều khó khăn trong thực hiện định hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam", ông Minh nhận định.

Xuất khẩu quá phụ thuộc vào khu vực FDI

Ngay trong quý I/2017, theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân quan trọng của việc tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 3 năm là sự sụt giảm sản lượng của Samsung. Xuất khẩu quá phụ thuộc vào FDI là một nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ trung bình 21,3%/năm trong 5 năm gần đây (cao hơn mức tăng xuất khẩu cả nước trung bình là 12,7%) và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

nguy co khi 3 thi truong chinh chiem phan nua kim ngach xuat khau

Đến năm 2016, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đã cao gấp hơn 2 lần doanh nghiệp 100% vốn trong nước, chiếm tỷ trọng 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 chỉ chiếm khoảng 47%).

Đặc biệt trong năm 2015 và 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực trong nước giảm lần lượt 8,5% và 2,8% so với năm trước (lần cuối cùng suy giảm là từ năm 2009), cho thấy một giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Cần thay đổi trước khi thuế nhập khẩu về 0%

"Xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian dài theo định hướng, xúc tiến thương mại không có cái nhìn dài hạn trong việc đa dạng hoá thị trường", ông Minh nhận định. Việc tập trung quá nhiều một số thị trường trong khi thị trường khu vực ASEAN có tiềm năng rất lớn lại bị bỏ ngỏ.

Ông Minh chỉ ra thực tế khi hàng ASEAN nhập quá, Việt Nam mới "giật mình" và nghĩ cách xúc tiến thương mại vào khu vực này. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực đã chuẩn bị kịch bản từ trước. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, thà muộn còn hơn không, việc xúc tiến mở rộng các thị trường khác vẫn là hướng đi đúng trong bối cảnh hiện nay.

"Khu vực ASEAN có nhiều điện kiện thuận lợi về vận chuyển, chi phí giảm… trong khi đó đi tìm những thị trường rất xa", ông Minh chỉ ra.

Về nguy cơ khi thuế nhập khẩu về 0% năm 2018 là không thể thay đổi được bởi phải tuân theo các điều khoản đã cam kết. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng nếu có biện pháp mở rộng thị trường, từ năm 2020 trở đi nhập siêu có thể sẽ giảm, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu vào khu vực ASEAN. Tương tự với thị trường Trung Quốc, ông Minh cho rằng cần tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này thay vì nhập siêu.

Nam Anh