Vì sao Việt Nam luôn trong 'tầm ngắm' của nhà đầu tư nước ngoài?
|
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám Đốc, JLL Việt Nam, Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng nhờ vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, sự hỗ trợ mạnh mẽ của nền kinh tế đã thúc đẩy sự phát triển trên cả nước.
“Trong năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của FDI nhờ vào sự cải thiện của nền kinh tế, chính trị ổn đinh và chi phí nhân công tương đối thấp so với các quốc gia khác trong khu vực,” ông Stephen Wyatt nhận định.
Đại diện JLL Việt Nam cho rằng, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng mặc cho sự suy thoái đang ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực châu Á. GDP của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 và dự đoán sẽ tăng lên 6,7% trong năm nay nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ và mức tiêu dùng cao hơn của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên đến 33 triệu người vào năm 2020 và tầng lớp trung lưu tại TP.HCM sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, theo tập đoàn tư vấn Boston.
Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc trở về nước của người Việt ở nước ngoài, hay còn được biết đến như Việt Kiều. Đây sẽ là nhóm đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp ở TPHCM và Hà Nội.
Theo ông Stephen Wyatt, nền kinh tế vững mạnh và dân số tăng là những yếu tố giúp cho cả 2 thành phố Hà Nội và TPHCM nằm trong top 10 theo chỉ số tăng trưởng mới nhất của JLL, cụ thể TPHCM đứng ở vị trí thứ 2 và Hà Nội ở vị trí thứ 8. Tuy nhiên, 2 thành phố này cần phải nỗ lực hơn để giữ vững vị trí của mình trong dài hạn.
“Sự chuyển đổi theo chiều hướng các hoạt động có giá trị cao dựa trên nền tảng công nghệ vẫn đang trong giai đoạn đầu. Tắt nghẽn giao thông và ô nhiễm vẫn là trở ngại đáng kế đến chất lượng cuộc sống và tăng năng suất lao động.” Jeremy Kelly, Giám đốc Ngiên cứu toàn cầu cho biết.
“Sự thiếu hụt lớn các cơ sở đào tạo trình độ cao và kỹ năng công nghệ có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Những thách thức này đòi hỏi phải có kế hoạch và đầu tư rõ ràng để giải quyết những vấn đề này. Cụ thể, chính phủ đang thực hiện các bước để tự do hóa môi trường kinh doanh và những tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trong thời gian tới, Việt Nam có thể đi trên con đường của mình để tạo ra một câu chuyện thành công khác trong khu vực Đông Nam Á”, ông này cho biết thêm.
Theo số liệu của Hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 26/12/2016 cả nước có 2.556 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 15,18 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là hơn 3,4 tỷ USD. Như vậy, tính chung đến 26/12/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD.
Trước đó, đánh giá về sức hút của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, kết quả khảo sát doanh nghiệp châu Á 2016 được tiến hành với hơn 2.500 doanh nghiệp ở Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan... cho thấy, hơn 1/4 các doanh nghiệp được khảo sát có dự định mở rộng kinh doanh vào Việt Nam trong 3-5 năm tới. Trong đó, các doanh nghiệp từ Malaysia, Thái Lan và Singapore đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam. Các lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài như xây dựng, bất động sản, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, y tế, dược phẩm, công nghiệp sản xuất.
Theo "nhận diện" của nhóm nghiên cứu thì doanh nghiệp châu Á, Việt Nam là địa điểm lý tưởng thứ 2 ở Đông Nam Á để mở rộng kinh doanh nhờ chính trị ổn định, điều kiện kinh tế thuận lợi, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng... Xếp đầu khu vực là Singapore, Việt Nam xếp thứ 2, tiếp đến là Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Ông Eric Tham, Trưởng nhóm nghiên cứu của ngân hàng UOB cho biết: "Trong hơn 20 năm qua, tôi thấy Việt Nam thay đổi lớn và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt văn phòng. Trong thập kỷ qua, mặc cho những khó khăn nhưng Việt Nam đạt những chỉ số khả quan, đặc biệt sau năm 2009, các bạn phát triển mạnh và đến 2015 đạt tăng trưởng 6,7%. Đó là lý do mà Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đầu tư".
Còn theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tư tưởng các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản thì đầu tư vào Việt Nam là ưu tiên số 1. Thậm chí, doanh nghiệp Hàn Quốc từ suy nghĩ đến hành động khá nhanh nên có khi chỉ 3-6 tháng là quyết định đầu tư ngay.
Ông Hoàng cho rằng, điểm thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ là có nền kinh tế, chính trị ổn định mà là nơi có mức thuế suất cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn rất quan tâm cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đang hoạt động thuận lợi.