|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao vàng tăng giá?

15:15 | 15/02/2025
Chia sẻ
Trang mạng HK01 của Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) mới đây đã có bài phân tích về lý do giá vàng tiếp tục tăng. Nội dung chính của bài viết như sau:

Vàng miếng tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Giá vàng thế giới đã tăng lên ngưỡng cao mới, trên 2.900 USD/ounce và đang hướng tới mốc 3.000 USD/ounce. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, các yếu tố kích hoạt là rất rõ ràng: nhà đầu tư ưu tiên mua vàng vì đây là một loại tài sản trú ẩn an toàn để đối phó với sự bất ổn do một loạt chính sách thương mại của Chính phủ Mỹ.

Điều này đúng với sự gia tăng nhanh chóng của giá vàng trong ngắn hạn, nhưng xét trên dài hạn, có thể thấy rằng vàng đã bước vào một chu kỳ tăng giá mới kể từ đầu thiên niên kỷ. Xu hướng tăng giá vàng không được xác định bởi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương hay sự khó đoán định trong cách thức điều hành chính sách thương mại của chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Vậy lý do gì khiến vàng tăng giá liên tục và giá sẽ tăng đến mức nào?

Xu hướng giá vàng trong thiên niên kỷ thứ ba

Nhìn vào dòng thời gian, tính từ đầu thiên niên kỷ thứ ba (từ năm 2001 đến năm 3000), vàng bắt đầu “phản công” ở mức 300 USD/ounce. Giá vàng đã tăng trong 10 năm liên tiếp, liên tục lập đỉnh mới và nhanh chóng vượt qua ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce. Tiếp theo, giá vàng đã có một vài năm điều chỉnh và về gần mức đáy 1.000 USD/ounce vào năm 2015 và tăng mạnh sau năm 2019.

Trong giai đoạn này, từ năm 2001 - 2020, logic định giá vàng chủ yếu dựa trên chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng USD suy yếu và vàng mạnh lên. Tuy nhiên, sau năm 2020, đặc biệt là bắt đầu từ năm 2022, giá vàng và đồng USD đồng loạt mạnh lên, vàng tiếp tục đạt mức cao mới.

Hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương đẩy giá vàng tăng

Mức giá cao mới của vàng là một kết quả có thể đoán trước và điều quan trọng là logic định giá vàng đã thay đổi. Mặc dù nhu cầu về vàng như một loại hàng hóa (tiêu dùng trang sức + vàng công nghiệp) chiếm hơn một nửa, nhưng sự gia tăng nhu cầu mới là không rõ ràng, cho thấy động lực đằng sau đợt tăng giá vàng này không phải là nhu cầu hàng hóa.

Trong ba năm qua, nhu cầu mới về vàng tăng mạnh nhất là hoạt động mua ròng của các ngân hàng trung ương, với tỷ lệ trung bình tăng gấp đôi so với ba năm trước. Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy tổng lượng vàng được các ngân hàng trung ương toàn cầu mua đạt 1.045 tấn vào năm 2024, chiếm 21% khối lượng giao dịch vàng thế giới (4.974 tấn) và quy mô đã tăng gần 60% so với năm 2019.

Đây là năm thứ ba liên tiếp tổng lượng vàng được mua trên thế giới vượt 1.000 tấn, vào năm 2022 và 2023 lần lượt là 1.078 tấn và 1.037 tấn. Điều này cho thấy ngân hàng trung ương là người mua lớn nhất trên thị trường vàng quốc tế trong 3 năm qua và là động lực chính dẫn đến đợt tăng giá vàng này.

Số liệu do Hội đồng Vàng Thế giới cung cấp cho thấy các ngân hàng trung ương có lượng mua lớn nhất kể từ năm 2022 là Trung Quốc, Ba Lan, Singapore (Xin-ga-po), Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã tăng lượng nắm giữ vàng trong 18 tháng liên tiếp. Năm ngoái, Trung Quốc mua vàng trong 4 tháng đầu năm nhưng đã dừng lại trong 6 tháng giữa năm và bắt đầu lại việc mua vàng vào cuối năm.

Cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy ba lý do mới chính để các ngân hàng trung ương mua vàng vào năm 2023 là để phòng ngừa rủi ro địa chính trị, lo lắng về rủi ro tài chính hệ thống và lo lắng về các biện pháp trừng phạt.

Địa chính trị quốc tế và xung đột quốc gia là động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng. Từ năm 2018, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, xung đột Nga-Ukraine… đã dẫn đến bất ổn địa chính trị quốc tế. Phản ứng với cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nước châu Âu và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga, ngoài lệnh cấm vận dầu mỏ còn có các lệnh trừng phạt tài chính. Điều này khiến một số quốc gia mới nổi lo lắng về an ninh tài chính của đồng USD, từ đó đẩy nhanh quá trình phi USD hóa.

Kết quả trực tiếp của việc này là để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống đồng USD, các ngân hàng trung ương mới nổi như Trung Quốc đã tăng lượng nắm giữ vàng và tiếp tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ. Một trong những động thái quan trọng nhất đối với đồng USD là các ngân hàng trung ương giảm dự trữ tài sản bằng USD và tăng dự trữ vàng. Vòng xung đột địa chính trị và nguy cơ xung đột quốc gia này đã thúc đẩy Trung Quốc và các ngân hàng trung ương khác mua vàng trên quy mô lớn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Các thỏi vàng tại cơ sở tinh chế ở Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời gian tới, giá vàng có tăng tiếp hay không còn tùy thuộc vào tình hình quốc tế diễn biến thế nào, mà cốt lõi là quan hệ Trung-Mỹ. Năm 2025, Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc ngay sau khi ông nhậm chức. Tiếp theo, ông Trump cũng đã công bố mức thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu.

So với nhiệm kỳ đầu tiên, việc tăng thuế lần này của ông Trump có hai đặc điểm: Thứ nhất, ông Trump sử dụng thuế quan như con bài mặc cả ngoại giao, yêu cầu Mexico, Canada kiểm soát nhập cư bất hợp pháp, ma túy và quản lý biên giới. Thứ hai, ông không chỉ tăng thuế đối với Trung Quốc mà còn phát động cuộc chiến thương mại toàn diện.

Nhiều người đặt câu hỏi, rốt cuộc thì ông Trump muốn làm gì? Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump là nhằm phát động thách thức toàn diện đối với nền chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế cũ. Đúng là quan hệ giữa nhiều quốc gia trên thế giới quả thực đã đến mức phải điều chỉnh. Hơn nữa, trong giai đoạn này có một Tổng thống Mỹ khó đoán như vậy sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Vì vậy, sự sụp đổ của hệ thống cũ và những kỳ vọng của nó là nguyên nhân chính khiến giá vàng thay đổi.

Nếu xảy ra xung đột giữa hai nước lớn, có thể có kẻ thắng người thua, chiến lược đầu tư có thể đặt cược cho cả hai bên, tức là phòng ngừa rủi ro. Nhưng có thể sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, việc mua tài sản từ bất kỳ quốc gia nào cũng không an toàn. Mọi người sẽ chuyển sang mua tài sản siêu quốc gia.

Vậy tài sản siêu quốc gia là gì? Tài sản không do một quốc gia nào kiểm soát, có nguồn cung, giá cả hoặc quyền sở hữu không do quốc gia kiểm soát, là tài sản được định giá trên thị trường toàn cầu. Trái phiếu do Chính phủ Mỹ phát hành, đồng USD do Fed phát hành và cổ phiếu Mỹ là tài sản có mệnh giá bằng USD. Số lượng phát hành USD có tác động lớn đến giá cổ phiếu và trái phiếu Mỹ. Ngày nay có quá ít tài sản siêu quốc gia và những tài sản chính được công nhận trên thị trường tài chính quốc tế là vàng và đồng bitcoin.

Vàng miếng được bán tại Sàn giao dịch vàng ở Dubai, UAE. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nếu các ngân hàng trung ương đi đầu trong việc mua vàng, các nhà đầu tư cá nhân đương nhiên sẽ làm theo và tránh được rủi ro. Vào năm 2024, khối lượng giao dịch vàng miếng và tiền vàng toàn cầu không tăng đáng kể. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tại thị trường Trung Quốc tăng 20%. Ngoài vàng vật chất, các quỹ ETF vàng cũng rất phổ biến và quy mô quản lý tài sản của các quỹ ETF vàng của Trung Quốc đã tăng 91%.

Các nhà đầu tư Trung Quốc thích vàng vật chất hơn, trong khi các nhà đầu tư Mỹ mua nhiều quỹ ETF vàng hơn. Lý do là tài sản tài chính của Mỹ có tính thanh khoản rất cao và chi phí giao dịch của vàng vật chất tương đối cao. Ở Trung Quốc, do lợi suất đầu tư vào tiền gửi, trái phiếu kho bạc, quỹ, bảo hiểm và bất động sản đều giảm trong những năm gần đây, tình trạng "thiếu hụt tài sản" trở nên nổi bật hơn và giá vàng tăng đã thu hút dòng vốn đổ vào.

Đặc biệt, vàng gần như là “đồng tiền cứng” quốc tế duy nhất và các nhà đầu tư sẵn sàng theo đuổi vàng hơn trong bối cảnh quốc tế đầy biến động. Trên thực tế, vào năm 2024, tài sản có lợi suất cao nhất ở Trung Quốc là vàng.

Triển vọng giá vàng

Giá vàng liệu có tiếp tục tăng trong thời gian tới? Điều quan trọng phụ thuộc vào việc xung đột quốc gia có gia tăng hay không. Từ quan điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống Trump và sự chuyển dịch của hệ tư tưởng toàn cầu được thúc đẩy sẽ làm gia tăng sự sụp đổ của trật tự cũ và sự bất ổn về kinh tế và chính trị quốc tế chắc chắn sẽ gia tăng.

Trong 4 năm tới, cần tập trung vào các điểm sau: Thứ nhất, liệu cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể kết thúc hay không. Thứ hai, liệu một cuộc chiến thương mại toàn cầu có nổ ra hay không. Thứ ba, liệu xu hướng quan hệ Trung-Mỹ có thể đảo ngược hay không. Khi xung đột quốc gia gia tăng và trật tự cũ sụp đổ, các nhà đầu tư vẫn sẽ tăng cường phân bổ tài sản siêu quốc gia làm nơi trú ẩn an toàn và dự kiến ngân hàng trung ương của các nước như Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lượng vàng nắm giữ.

Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, tính đến tháng 12/2024, Mỹ có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới lên tới 8.133 tấn, tiếp theo là Đức 3.352 tấn, Italy 2.452 tấn, rồi đến Pháp, Nga và Trung Quốc vươn lên vị trí thứ sáu với trữ lượng 2.279 tấn, tương đương 27,8% của Mỹ. Nếu dự trữ vàng của PBoC muốn đạt 40% lượng vàng ở Mỹ thì cần phải tăng thêm 1.000 tấn, nếu muốn đạt 50% lượng vàng dự trữ ở Mỹ thì cần phải tăng thêm 1.800 tấn.

Mạc Luyện