|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao Trung Quốc mua lại hàng loạt công ty hạt giống trên thế giới?

16:56 | 14/07/2017
Chia sẻ
Để đáp ứng nhu cầu của người dân về sản phẩm từ thịt đang gia tăng, Trung Quốc tiến hành hàng loạt thương vụ mua lại các doanh nghiệp hạt giống quốc tế. 
vi sao trung quoc mua lai hang loat cong ty hat giong tren the gioi
(Nguồn: CNNMoney)

Trung Quốc đang tiến hành nhiều thương vụ kinh doanh lớn để thỏa mãn nhu cầu đang gia tăng của nhiều công ty thực phẩm.

Hai tuần trước, công ty nhà nước ChemChina kết thúc giao dịch mua lại nhà khổng lồ thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống Syngenta của Thụy Sĩ với trị giá 44 tỷ USD. Đây là thương vụ mua bán công ty nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.

Thứ Ba (12/7), tập đoàn Dow Chemical công bố một quỹ nông nghiệp, do chính phủ Trung Quốc tài trợ, sẽ trả 1,1 tỷ USD để mua hoạt động kinh doanh chuyên bán và nghiên cứu hạt giống ngô của công ty này ở Brazil.

Số liệu từ Dealogic chỉ ra, các công ty Trung Quốc đã chi 91 tỷ USD trong hơn 1 thập kỷ qua để mua lại gần 300 doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm.

Vậy vì sao doanh nghiệp Trung Quốc chi tiêu lớn cho hàng loạt vụ mua lại như vậy?

An ninh lương thực

Các chuyên gia cho biết những giao dịch mua lại này là một phần trong kế hoạch nhằm cải thiện nguồn cung thực phẩm cho dân số gần 1,4 tỷ người của Trung Quốc. Khi chất lượng cuộc sống người dân Trung Quốc cải thiện, và nhu cầu của họ về thực phẩm từ thịt tăng lên, đồng nghĩa với số lượng gia súc, gia cầm sẽ tăng, vì vậy quốc gia này cũng cần tăng nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về an ninh thực phẩm của viện nghiên cứu chính sách Chatham House, Rob Bailey, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thử thách lớn, bao gồm nguồn lao động nông nghiệp đang già đi, ô nhiễm môi trường, thay đổi ký hậu và chất lượng đất trồng giảm.

Trang trại của Trung Quốc cũng phải đối mặt với năng suất thấp vì hoạt động chăn nuôi, trồng chọt lạc hậu, ông Brett Stuart, CEO và đồng sáng lập của Global AgriTrends cho biết.

Ông Stuart nói thêm, những thương vụ mua lại hạt giống mới nhất cho thấy Trung Quốc muốn tìm ra kiến thức khoa học cần thiết để cải thiện năng suất mùa vụ trong nước.

“Họ đang cố gắng trang bị thêm kiến thức. Tôi nghĩ những hành động này chỉ ra một điều là họ đang cố gắng hết sức có thể để tự cung cấp thực phẩm. Sẽ không có đủ thực phẩm trên thế giới để cứu Trung Quốc nếu họ thất bại”, ông Stuart cho biết.

Theo CNNMoney, tất cả các quốc gia đang cố gắng bảo vệ chính mình khỏi việc thiếu lương thực. Mặc dù vậy, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc, quốc gia đã rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào cuối những năm 1950.

Lợi ích quốc gia

Những thương vụ mua lại của Trung Quốc là đều nhằm vào phục vụ lợi ích quốc gia. Ngoài ra, đã xuất hiện những lo ngại về việc các quốc gia và doanh nghiệp làm thế nào để có thể phản ứng lại với khủng hoảng khủng hoảng hiện đại.

“Các quốc gia sẽ ngày càng quan tâm về việc làm thế nào để đảm bảo họ có thể duy trì tiếp cận nguồn cung thực phẩm nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt mùa vụ lớn”, ông Bailey nhận định.

Nhiều công ty Trung Quốc nhận được hỗ trợ từ chính phủ khi tiến hành mua lại doanh nghiệp thực phẩm. Vì vậy, khi xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, có một rủi ro đó là thay vì tuân thủ theo hợp đồng đã ký, công ty này “tập trung vào việc đưa thực phẩm trở lại thị trường tại quê nhà”, ông Bailey nói thêm.

Vấn đề an ninh quốc gia xuất hiện vào năm 2013, khi tập đoàn quốc tế Shuanghui của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ Smithfield Foods. Tuy nhiên, sản xuất thịt lợn không thay đổi quá lớn và nguồn cung của Mỹ không chuyển sang Trung Quốc, ông Stuart cho biết.

“Trung Quốc tiếp tục mua càng nhiều công ty quốc tế mới là vấn đề đang lo ngại hơn”, ông Stuart nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang cố củng cố sức mạnh của nền nông nghiệp. Các nước như Arab Saudi và Nhật Bản cũng đang mua lại những chuỗi cung ứng thực phẩm thế giới, nhưng hồ sơ những thương vụ mua lại của họ không lớn như của Trung Quốc.

Lyly Cao