|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao TPP không nên dừng lại với 11 quốc gia thành viên?

19:00 | 16/11/2017
Chia sẻ
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đi tiếp mà không có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, khả năng mở rộng từ TPP-11 lên TPP-16 vẫn còn bỏ ngỏ. Càng đông thành viên, hiệp định này sẽ càng phát huy hiệu quả.
vi sao tpp khong nen dung lai voi 11 quoc gia thanh vien
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại APEC 2017. Nguồn: Nyein Chan Naing/AFP/Getty Images.

11 quốc gia thành viên còn lại đáng được khen ngợi khi cứu vãn thành công TPP sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định. Và sẽ càng đáng khen ngợi hơn nếu các quốc gia này đưa TPP tiến xa hơn nữa.

Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippines chưa là thành viên TPP nhưng tất cả đều cho thấy sự quan tâm với việc tham gia hiệp định thương mại đa phương này. Mở rộng từ TPP-11 lên TPP-16 sẽ gia tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho các bên tham gia. Đến một lúc nào đó, việc này có thể khiến Mỹ phải xem lại lợi ích của mình và cân nhắc khả năng quay trở lại hiệp định mà chính nước này đã khởi xướng.

Hiện tại, TPP-11 đã được các quốc gia thành viên đồng ý về mặt nguyên tắc bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam. Việc nước Mỹ quyết định đứng ngoài TPP đã cắt giảm một nửa lợi ích kinh tế của các quốc gia thành viên. Mặc dù vậy, lợi ích vẫn rất to lớn đối với một số thành viên như Malaysia, Singapore và Brunei vốn xuất khẩu vào các thành viên TPP khác nhiều hơn vào Mỹ.

Kết nạp thêm thành viên mới vào TPP có thể gia tăng lợi ích đáng kể cho tất cả các bên. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, mở rộng từ TPP-11 lên TPP-16 sẽ giúp nhân ba lợi ích của các thành viên với giá trị kinh tế khoảng 500 tỷ USD mỗi năm, cao hơn lợi ích mà TPP có Mỹ tham gia mang lại. Đó là do TPP-16 liên kết 3 nền kinh tế phát triển – Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, vốn vẫn chưa ký kết bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào với nhau. Và cũng bởi TPP-16 sẽ thúc đẩy sự phát triển của một chuỗi cung ứng mới trên toàn châu Á.

Tuy nhiên, đạt được TPP-16 sẽ không hề dễ dàng. 11 thành viên TPP hiện tại vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết trước khi phê chuẩn hiệp định. Trong trường hợp mở rộng TPP, Thái Lan và Indonesia sẽ không mấy mặn mà vì hiệp định này đòi hỏi các thành viên phải đẩy mạnh cải cách trong nước. Trong khi đó, Đài Loan lại đang rất tích cực chuẩn bị cho việc gia nhập, nhưng có khả năng Trung Quốc sẽ phản đối.

Nhật Bản, thành viên hoạt động tích cực nhất để đạt được TPP-11, có thể sẽ phải dùng con đường ngoại giao để thuyết phục Thái Lan và Indonesia gia nhập hiệp định. Các thành viên TPP cũng sẽ bảo đảm với Trung Quốc rằng nước này luôn được chào đón nếu sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định này.

Tuần trước, các cuộc đàm phán TPP bên lề APEC đã làm lu mờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc. Nhưng nước này không phải lo lắng, gia nhập TPP cũng mang lại lợi ích tương tự, thậm chí còn nhiều hơn, giúp Trung Quốc đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế nhờ tiếp cận được nhiều thị trường mới nổi đầy tiềm năng.

Song, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho thấy một tầm nhìn hoàn toàn khác khi tham dự APEC tại Việt Nam. Theo đó, ông không đánh giá cao các hiệp đinh đa phương như các hiệp định thương mại song phương vốn giúp Mỹ tận dụng quy mô nền kinh tế để chiếm ưu thế so với đối tác. Khi quá trình đàm phán TPP vẫn tiếp tục, các quốc gia sẽ có nhiều lựa chọn khác. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump chỉ có thể khiến doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại. Các công ty xuất khẩu của Mỹ đã bắt đầu ghi nhận thua lỗ do các quốc gia khác đều hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do của họ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết con số thiệt hại này có thể sẽ tiếp tục tăng lên.

Đó chính là lý do mà một thỏa thuận TPP mang tính lịch sử có thể thu hút không chỉ Trung Quốc mà cả Mỹ, quốc gia đã khởi xướng TPP và cũng là đất nước tiên phong thúc đẩy một nền thương mại tự do.

Trường Giang