|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao tiền GPMB cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tăng gần 1.300 tỉ?

07:24 | 09/06/2020
Chia sẻ
Chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua Đồng Nai tăng gần 1.300 tỉ đồng so với ban đầu phê duyệt.
Vì sao tiền GPMB cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tăng gần 1.300 tỉ? - Ảnh 1.

QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai đang quá tải...

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tăng vốn đền bù gần 1.300 tỷ đồng, ngày 8/6, ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai) giải thích về nguyên nhân tăng.

Theo ông Nguyễn Hồng Quế, chi phí GPMB tăng so với tổng mức ban đầu là do giá đất tính toán bồi thường cho các hộ dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc được áp dụng theo khung giá năm 2020. 

Ngoài ra, tại khu vực nút giao (15,6ha) tại xã Xuân Tâm, cũng phát sinh phần diện tích ngoài phạm vi thu hồi của dự án nên phải thực hiện bồi thường cho phần diện tích này.

Một số người dân có một phần đất thuộc phạm vi thu hồi nhưng vẫn đề nghị nhà nước thu hồi, bồi thường và hỗ trợ cả phần diện tích đất còn lại bởi theo các hộ này, phần đất còn lại cũng không thể tiếp tục sử dụng (nhà cửa, vật kiến trúc… cây trồng, tài sản khác).

Trước việc phát sinh này, Hội đồng Bồi thường dự án phải tính toán, bổ sung thêm. "Hiện UBND tỉnh đã trình Bộ GTVT để xem xét duyệt dự toán bố trí vốn về địa phương để sớm chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc", ông Quế cho hay.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường để đẩy nhanh GPMB, Sở đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Tổng công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai sớm thanh lý cây cao su đối với diện tích thu hồi đã phê duyệt phương án bồi thường. 

Ban QLDA Thăng Long báo cáo Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư dự án và sớm bố trí nguồn vốn năm 2020 phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 5 công tác GPMB cho dự án tại các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP Long Khánh đã cơ bản hoàn thành. Riêng việc bàn giao mặt bằng qua huyện Xuân Lộc đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cụ thể huyện Xuân Lộc đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ trong đợt 1 cho 325/522 trường hợp với tổng số tiền đã thực hiện chi trả gần 402 tỷ đồng. Đợt 2, huyện Xuân Lộc sẽ tiếp tục thực hiện thu hồi đất của 342 hộ gia đình và 10 tổ chức với diện tích hơn 116ha.

Tổng kinh phí để bồi thường, tái định cư cho người dân trong đợt 2 là hơn 769 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có kiến nghị Bộ GTVT sớm chấp thuận phương án bồi thường đợt 2 trên địa bàn huyện Xuân Lộc để địa phương sớm thực hiện chi trả cho người dân.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đoạn qua Đồng Nai có chiều dài 51,5km được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào tháng 7/2018. Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 10/2018. 

Theo khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, tổng mức đầu tư cho công tác GPMB đoạn qua Đồng Nai là hơn 1.400 tỷ đồng.

Vì sao tiền GPMB cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tăng gần 1.300 tỉ? - Ảnh 2.

Xe cộ dày đặc trên QL1 qua Đồng Nai.

Trong năm 2019 nguồn kinh phí GPMB là hơn 545 tỷ đồng. Tuy nhiên 2020, theo báo cáo của các địa phương là cần thêm hơn 2.100 tỷ đồng nữa. Cụ thể, huyện Xuân Lộc cần hơn 2.000 tỷ đồng, huyện Cẩm Mỹ cần hơn 73 tỷ đồng, huyện Thống Nhất cần khoảng 44 tỷ đồng và TP Long Khánh cần hơn 8 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến nay toàn bộ chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án (năm 2019, 2020) là gần 2.700 tỷ đồng. Con số này đã vượt gần 1.300 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt.

Vĩnh Phú