|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây: Bitexco đòi chi phí cơ hội hơn trăm tỷ đồng

16:57 | 11/02/2019
Chia sẻ

Tư vấn độc lập xác định chi phí cơ hội của Bitexco là hơn 104 tỷ đồng.
du an cao toc doan phan thiet dau giay bitexco doi chi phi co hoi hon tram ty dong
Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây: Bitexco đòi chi phí cơ hội hơn trăm tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xác định chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí cơ hội của nhà đầu tư do dừng triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây theo Nghị quyết số 20/NQ-CP.

Dự án “chết” giữa đường

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tại dự án cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, Tập đoàn Bitexco từng được Chính phủ giao lập “Đề xuất dự án” (năm 2007) và lập “Dự án đầu tư” (năm 2008).

Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt “Đề xuất dự án” và sau đó là “Báo cáo nghiên cứu khả thi” – lần 1 (năm 2011).

Đến tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1597 chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án.

Trong giai đoạn 2012 – 2016, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với WB tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà đầu tư thứ hai, đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng cấu trúc dự án, trình Chính phủ xem xét, thông qua để triển khai dự án.

Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp luật hiện hành nên cấu trúc dự án chưa được Chính phủ thông qua. Bộ Giao thông vận tải đã hủy kết quả sơ tuyển.

Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 52 thống nhất về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020.

Tiếp đó, tháng 3/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20, trong đó nêu rõ Thủ tướng quyết định dừng triển khai quyết định 1597 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc Thủ tướng quyết định dừng triển khai dự án thí điểm và chấm dứt việc Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án “là yếu tố khách quan, do thay đổi về chủ trương đầu tư của nhà nước”.

Bitexco đòi tính chi phí cơ hội hơn trăm tỷ đồng

Theo Bộ Giao thông vận tải, Bitexco đã chi tổng cộng 84,1 tỷ đồng cho dự án, bao gồm chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý và chi phí dich vụ tư vấn – dịch vụ.

Bên cạnh đó, Bitexco cho rằng công ty phải được tính thêm chi phí cơ hội. Cụ thể, theo báo cáo của doanh nghiệp này, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp dự án (trong đó có Bitexco) sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm.

Tuy nhiên, trên cơ sở Nghị quyết 20, Bitexco đã lựa chọn tư vấn độc lập là Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam – VVFC.

VVFC đã xác định chi phí cơ hội của dự án là “thu nhập có được từ việc sử dụng phần vốn đã dành cho dự án dể thực hiện phương án đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư trong thời gian vừa qua”.

Trên cơ sở này VVFC đã xác định thu nhập của Bitexco bằng bình quân gia quyền của tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính hàng năm của Bitexco trong khoảng thời gian thực hiện dự án 2007 – 2018).

Với cách tính này, tỷ suất lợi nhuận bình quân gia quyền của Bitexco được xác định tương đương 14%/năm; tương ứng chi phí cơ hội đối với phần chi phí Bitexco đã sử dụng là 101,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VVFC còn tính thêm 2,9 tỷ đồng là chi phí cơ hội của phần vốn phải chuẩn bị sẵn cho giai đoạn thực hiện đầu tư (giai đoạn 2013 – 2015). Tổng chi phí cơ hội của Bitexco là 104,6 tỷ đồng.

Ngoài phương án tính trên, Bitexco cũng đưa ra phương án tính khác là tỷ suất lợi nhuận 11,77%/năm, tương ứng với mức lợi nhuận trung bình của các dự án BOT giao thông trong thời gian qua.

Nhấn mạnh tới chi phí cơ hội, trong các văn bản của mình, Bitexco cho rằng “việc thanh toán chi phí cơ hội là phù hợp với tinh thần quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật tại Điều 13 Luật Đầu tư, cũng tương đương với bồi thường thiệt hại theo Điều 419 Bộ luật Dân sự và hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại theo khoản 4, Điều 13 Luật Đầu tư và Chính phủ đã chấp thuận tại Nghị quyết 20”.

Bộ Giao thông vận tải chưa dám quyết

Đánh giá về đề xuất tính chi phí cơ hội của Bitexco, Bộ Giao thông vận tải cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể đối với khoản chi phí này. Tuy nhiên Nghị quyết 20 của Chính phủ đã thống nhất thanh toán chi phí cơ hội cho Bitexco. Các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự cũng quy định việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp và quy định về bồi thường khi có tranh chấp.

Dù vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng mức chi phí cơ hội bằng tỷ suất lợi nhuận 11,77%/năm là phù hợp với thực tế hiện nay và đảm bảo phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư 120/2018 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Bộ cũng nhấn mạnh sẽ không chấp nhận khoản chi phí cơ hội cho phần vốn chuẩn bị sẵn như trước đây Bitexco đề xuất vì đây là khoản cho phí Bitexco chưa sử dụng cho dự án nên không có cơ sở để xem xét. Khi đó, chi phí cơ hội được xác định khoảng 79,5 tỷ đồng.

Ngày 26/12/2018, Bitexco đã có văn bản đồng thuận với con số này.

Từ các cơ sở như trên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng giao Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, chịu trách nhiệm với giá trị phần chi phí chuẩn bị đầu tư mà Bitexco đã thực hiện giai đoạn 2007 – 2018. Đồng thời thanh toán chi phí chuẩn bị đầu tư cho Bitexco bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo tinh thần Nghị quyết 20.

Về chi phí cơ hội, Bộ đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định việc xác định chi phí cơ hội cho Bitexco như đã phân tích ở trên.

Xem thêm

Tào Minh