|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao thị trường giáo dục 'quốc tế' bùng nổ tại châu Á?

10:12 | 09/08/2019
Chia sẻ
Những phụ huynh có điều kiện kinh tế tại châu Á đang ngày càng mong muốn đưa con cái tới học tại các ngôi trường gắn mác quốc tế. Vì sao?

Angelina, 11 tuổi, là một cô bé Bắc Kinh có thể nói tiếng Anh và tiếng Trung một cách hoàn hảo. Em biết chơi bóng đá rất giỏi và thường tham gia các trại hè ở Mỹ, theo Forbes.

Cha mẹ Angelina đã chọn hệ thống giáo dục quốc tế thay vì các trường công Trung Quốc vì lo ngại "áp lực học hành".

"Tôi quyết định đưa hai con gái của mình vào một trường tư thục bởi các trường công lập không có giao tiếp giữa giáo viên và học sinh. Học hành cũng rất căng thẳng", Amy Lin, một bà mẹ người Đài Loan đã chuyển đến Trung Quốc cho biết.

Ngành công nghiệp giáo dục tư nhân với mác "quốc tế"

Gia đình Lin là một trong nhiều gia đình Trung Quốc giàu có đang quay lưng lại với nền giáo dục công của quốc gia này. Xu hướng đòi hỏi sự thay đổi của trường học, cách tiếp cận mới mẻ hơn, "Tây" hơn được cho là sẽ giúp trẻ em phát triển sự sáng tạo và tất nhiên, "quốc tế" có cái giá không hề rẻ.

Công ty môi giới và đầu tư tập trung vào châu Á, CLSA, ước tính thị trường giáo dục tư nhân ở Trung Quốc hiện có giá trị khoảng 315 triệu USD. Nhà môi giới này cũng dự kiến tỉ lệ tuyển sinh vào các trường quốc tế (tất cả đều là tư nhân) sẽ tăng 14% mỗi năm.

Ngành công nghiệp giáo dục tư nhân ngày càng nở rộ với rất nhiều lựa chọn hình thức và thời gian học cho phụ huynh tham khảo. Từ các lớp học tư nhân 1 buổi/ tuần đến giáo dục nội trú toàn thời gian. Một số trường trọn gói nhận đào tạo từ trẻ mẫu giáo 3 tuổi đến 18 tuổ. Nhiều trường cung cấp các hoạt động sau giờ học như dạy kèm tiếng Anh, nghệ thuật hoặc âm nhạc.

Theo nghiên cứu, thị trường giáo dục tư nhân tại châu Á - Thái Bình Dương ước tính trị giá 370 tỷ USD. Ngành công nghiệp này bùng nổ nhờ xu hướng nhân khẩu học mới, điều kiện kinh tế phát triển và bùng nổ dân số.

Các quốc gia không có chương trình giảng dạy tiếng Anh quốc gia hiệu quả như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc xuất hiện ồ ạt các loại hình trường học gắn mác quốc tế, nhấn mạnh yếu tố ngoại ngữ để thu hút phụ huynh.

p06p9c25

Ngành công nghiệp giáo dục tư nhân bùng nổ trong những năm gần đây tại nhiều quốc gia châu Á. - Ảnh: BBC

Nhu cầu "giáo dục quốc tế" bắt nguồn từ đâu?

Hàng năm, nhiều triệu học sinh - sinh viên châu Á đều phải tham dự những kì thi quan trọng sẽ quyết định trường đại học các em sẽ theo cũng đồng nghĩa với công việc và địa vị xã hội trong tương lai. Hệ thống thi cử này giữa các quốc gia châu Á có nhiều điểm tương đồng và hết sức được coi trọng.

Ngay từ bậc mẫu giáo hoặc tiểu học, nhiều phụ huynh đã phải tranh giành để đăng kí cho con em vào các trường tốt nhất. Những hệ thống trường chuyên lớp chọn chuyên nghiệp buộc cả trẻ nhỏ và phụ huynh vào cuộc từ những ngày đầu tiên. Nhưng điều đó giờ đã khác.

Với xu hướng toàn cầu hóa và mở cửa cho khối giáo dục tư nhân, các trường học quốc tế mọc lên khắp nơi, không chỉ ở các trung tâm đô thị mà thậm chí ở ngoại ô hay các tỉnh, để thỏa mãn kì vọng ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu mới về một nền giáo dục tốt, năng động và "Tây hóa".

Đó là một nhu cầu thực tế của phụ huynh nhưng những người kinh doanh trong một ngành nhạy cảm và quan trọng như sản phẩm giáo dục đôi khi không đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức kinh doanh. 

Thành tựu và bất cập song hành

Tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc, New Oriental, đang giao dịch trên sàn chứng khoán NYSE với mức định giá hơn 10 tỉ USD. Đó thực sự là quả ngọt cho các nhà đầu tư đã tin tưởng tập đoàn non trẻ thành lập chưa đầy 25 năm và đã có nhiều năm đầu thua lỗ.

Tất nhiên, mức học phí trong một trường tư nhân gắn mác "quốc tế" không hề rẻ. Tùy thuộc vào quốc gia, khu vực và trình độ, tiền học cũng có sự chênh lệch nhưng một số trường tư nhân có mức phí lên tới hàng nghìn USD/ tháng.

Điều này khiến một nhóm các nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng ngành công nghiệp này đang tạo ra hình thức chủ nghĩa tư bản bằng cấp - một hệ thống khẳng định mối quan hệ giữa sự giàu có và thành tích học tập.

Ngoài ra, sự phát triển quá nhanh của thị trường giáo dục khối tư nhân này khiến nhiều chính phủ không theo kịp tốc độ, dẫn đến sự buông lỏng trong quản lí và kiểm soát chất lượng dành cho những hệ thống trường tư nhân.

Để làm được điều này, có lẽ chúng ta cần tới sự phối hợp nhiều hơn nữa từ pháp luật, xã hội và tư duy giáo dục trân trọng giá trị con người thay vì chạy theo những điều được tô vẽ trên truyền thông - quảng cáo về tương lai sáng lạng của môi trường mang danh "quốc tế".

Thu Phương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.