Bước tiến thần tốc trên con đường kinh doanh giáo dục của ông Hoàng Quốc Việt
Sức hút của nghề "gõ đầu trẻ"
Nếu như trước đây hơn chục năm, các trường công lập vẫn giữ vững vị thế ưu tiên số một, thì những năm gần đây, các trường tư nhân lại ngày càng có được chỗ đứng tốt hơn trên "địa hạt" giáo dục Việt Nam nhờ sự đầu tư kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng hơn của thị trường. Đặc biệt là khi nhu cầu giáo dục chất lượng cao đang ngày một tăng theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào mảng giáo dục có thể kể đến là CTCP FPT (FPT). Năm 1999, đại gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin này đã manh nha làm giáo dục khi mở trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech và sau đó chính thức thành lập trường đại học đầu tiên năm 2006.
Hiện tại, Công ty TNHH giáo dục FPT (công ty con phụ trách mảng giáo dục của FPT) với vốn điều lệ 600 tỉ đồng đang sở hữu 2 trường Tiểu học và THCS và 2 trường THPT và 13 trường đại học - cao đẳng - học viện - trường nghề.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 năm nay, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2019, FPT đã đầu tư 500 tỉ đồng cho mảng giáo dục, chủ yếu là cho việc đầu tư xây dựng tại TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, dự kiến, trong năm 2020, tập đoàn sẽ tiếp tục chi đầu từ 500-700 tỉ đồng cho mảng kinh doanh chiến lược này.
Nối gót theo FPT là CTCP Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Được thành lập từ năm 2008, với 350 tỉ đồng vốn, đến nay CTCP giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) đã xây dựng một hệ thống giáo dục khá đồ sộ với gồm 10 trường mầm non mang thương hiệu Abi, 8 trường TH và 2 trường đại học, cao đẳng.
Năm 2013, ông lớn Vingroup cũng cho thấy sự quan tâm đối với mảng giáo dục khi thành lập Vinschool và tiếp theo là Vinacademy. Đến nay, với số tiền chi ra khoảng 1.800 tỉ đồng cho lĩnh vực giáo dục, hệ thống Vinschool sở hữu hơn 31 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học trên cả nước và trường đại học đầu tiên VinUni vừa được khai trương từ đầu năm nay.
Bên cạnh các ông lớn Vingroup, FPT, TTC, thị trường cũng đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp tham gia vào các dự án kinh doanh giáo dục khác. Tuy nhiên, trong khi các ông lớn chỉ xem giáo dục là chỉ là "nghề tay trái", một doanh nghiệp đang gây dựng được vị thế đáng kể trong ngành phải nhắc đến Tập đoàn Nguyễn Hoàng (Nguyễn Hoàng Group).
Sở hữu hơn 60 cơ sở giáo dục trên cả nước trong đó có 4 trường Đại học lớn là Hoa Sen, Hồng Bàng, Gia Định và Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Nguyễn Hoàng Group (NHG) vẫn tiếp tục tham vọng cho những bước tiến lớn hơn.
Ngày 28/6/2019, sau hơn 1 năm khởi công, "Thành phố giáo dục quốc tế - IEC (The International Education City) đầu tiên tại Việt Nam" của NHG tại thành phố Quảng Ngãi đã chính thức được khánh thành.
Đây là dự án được xây dựng trên diện tích 10 ha tại phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi, đây là dự Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng bao gồm một hệ thống giáo dục quốc tế toàn diện với đầy đủ cấp học từ mầm non đến lớp 12.
Nối tiếp IEC đầu tiên, Nguyễn Hoàng tiếp tục nuôi tham vọng đẩy hiện tượng "thành phố giáo dục quốc tế" lan rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Dự kiến, trong tháng 10, công ty sẽ khởi công dự án Thành phố giáo dục quốc tế IEC 1.300 tỉ tại Hà Tĩnh, còn Dự án Thành phố giáo dục quốc tế IEC 1.500 tỉ tại Hội An sẽ được xây dựng từ tháng 11/2020.
Một trong những dự án tham vọng nhất của Nguyễn Hoàng là dự án EIC Hải Phòng. Với tổng mức đầu tư 13.000 tỉ đồng, qui mô 69,5 ha tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, dự án này dự kiến sẽ được khởi công từ tháng 3/2021.
Hiện nay, Nguyễn Hoàng cho biết đã tạo nên một hệ sinh thái giáo dục quốc tế từ mầm non đến tiến sĩ, từ mô hình hội nhập quốc tế, mô hình song ngữ quốc tế đến mô hình quốc tế hoàn toàn, bao gồm 60 cơ sở giáo dục, trải dài 24 tỉnh thành trên cả nước.
Sau các dự án giáo dục, Nguyễn Hoàng Group cũng đang cho thấy tham vọng lấn sân sang lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng. Mới đây, Tập đoàn đã tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên để đề xuất xây dựng Dự án thành phố du lịch và giáo dục quốc tế Phú Yên (IEC Phú Yên) với qui mô lên đến 65 ha.
Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng một hệ sinh thái đồng bộ, bao gồm Hệ thống các trường quốc tế từ mầm non đến đại học; Khu thể thao và dịch vụ tiện ích; Khu đa chức năng du lịch, du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc người cao tuổi ở khu Sao Việt, Sao Mai...
Từ cửa hàng bán máy tính nhỏ đến gã khổng lồ
Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) có trụ sở tại 49 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP. HCM, là doanh nghiệp tư nhân được đánh giá có qui mô lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam do bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo là người đại diện theo pháp luật.
Theo thông tin từ Công thông tin quốc gia về doanh nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2013 tới năm 2019, Nguyễn Hoàng liên tục thay đổi vốn điều lệ gấp 20 lần, đạt 3.000 tỉ đồng tại thời điểm ngày 22/1/2019.
Khởi đầu là một cửa hàng máy tính nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, đến tháng 7/2007, Nguyễn Hoàng chính thức chuyển sang mô hình quản trị tập đoàn, thay đổi nhận diện mới và bắt đầu theo đuổi những tham vọng lớn lao hơn.
Tháng 8/2008, Tập đoàn Nguyễn Hoàng chính thức bước chân vào địa hạt giáo dục bằng việc xây dựng Trường hội nhập quốc tế Ischool đầu tiên tại Rạch Giá, Kiên Giang.
Từ cơ sở đầu tiên này, iSchool tiếp tục mở rộng ra các tỉnh lân cận như Long Xuyên – An Giang (năm 2008), Long An, sau đó đến Quy Nhơn – Bình Định (năm 2009), Nha Trang – Khánh Hòa (năm 2010)...
Khoảng 5 năm trở lại đây, Nguyễn Hoàng đã tham gia nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực giáo dục. Một trong những thương vụ được cho là rất thành công đó là mua lại cổ phần Đại học quốc tế Hồng Bàng năm 2015.
Từ năm 2016-2018, các trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại học Gia Định, Đại học Hoa Sen lần lượt có tên trong Hệ sinh thái giáo dục của Nguyễn Hoàng.
Hiện nay, với hơn khoảng hơn 75.000 học sinh - sinh viên trên toàn hệ thống và mức học phí khoảng 40 triệu đến 80 triệu đồng một năm đối với các bậc học khác nhau. Dù chưa có con số cụ thể, song ước tính doanh thu hàng năm từ học phí của Nguyễn Hoàng lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Theo thông tin chúng tôi có được, tại thời điểm cuối năm 2018, chỉ riêng công ty mẹ Nguyễn Hoàng đã có tổng tài sản lên đến hơn 6.500 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu xấp xỉ 3.450 tỉ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Hoàng còn có đến 24 công ty con khác hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục.
Năm 2019, chỉ riêng công ty mẹ Nguyễn Hoàng ghi nhận 360 tỉ đồng doanh thu thuần và 105 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.