|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao Microsoft giới hạn 5 câu hỏi mỗi phiên trò chuyện với công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới?

14:24 | 21/02/2023
Chia sẻ
Công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới của Microsoft đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất với ngành công nghệ trong vài tuần qua khi nó được tích hợp các tính năng phản hồi như trên ChatGPT, công cụ chatbot gây bão toàn cầu trong những tháng đầu năm 2023.

Khi gã khổng lồ Microsoft thông báo vào ngày 7/2 rằng công cụ tìm kiếm Bing phiên bản mới có sẵn trong bản xem trước giới hạn trên PC, công ty cũng cho phép người dùng thử các truy vấn mẫu và đăng ký để có tên trong danh sách chờ cho công cụ tìm kiếm mới do ChatGPT cung cấp, theo Tech Wire Asia.

Mục đích của việc này là mở rộng quy mô xem trước lên hàng triệu người trong vài tuần sau đó và cuối cùng là giới thiệu trải nghiệm di động. Microsoft muốn các phản hồi quan trọng từ người dùng sẽ cho phép họ cải thiện mô hình của mình khi mở rộng quy mô.

10 ngày sau, vào ngày 17/2, Microsoft thông báo rằng họ sẽ giới hạn các phiên trò chuyện trên công cụ tìm kiếm Bing mới của mình ở mức 5 câu hỏi mỗi phiên và 50 câu hỏi mỗi ngày. Động thái này được đưa ra sau vô số đánh giá được chia sẻ trực tuyến cho thấy người dùng sẽ tiếp tục truy vấn với chatbot Bing của Microsoft.

Tờ The New York Times từng đưa tin, “Microsoft hiện tại chưa hoàn toàn sẵn sàng đối mặt với tất cả cảm giác mà những người dùng đã cố gắng tương tác với chatbot trong các cuộc trò chuyện cá nhân có kết thúc mở và thăm dò.”

Công cụ tìm kiếm phiên bản mới của Microsoft giới hạn 5 câu hỏi mỗi phiên. (Ảnh: Tech Wire Asia).

Công cụ tìm kiếm thế hệ mới của Microsoft sẽ nhắc người dùng bắt đầu một phiên mới sau khi đặt 5 câu hỏi và chatbot sẽ trả lời tối đa 5 lần. “Các phiên trò chuyện rất dài có thể gây nhầm lẫn cho mô hình trò chuyện cơ bản”’, Microsoft cho biết trong một thông báo được đăng tải vào ngày 17/2.

Trong một bài đăng trên blog của công ty, phía Microsoft đã viết rằng họ “không hình dung đầy đủ” những người sử dụng chatbot giống như ChatGPT “để khám phá thế giới và giải trí xã hội một cách tổng quát hơn”.

Microsoft thừa nhận rằng chatbot đã có những câu trả lời “lặp đi lặp lại” và đôi khi trở nên “khó hiểu” trong các cuộc trò chuyện kéo dài. Công cụ tìm kiếm Bing mới do AI hỗ trợ, trình duyệt web Edge và Chat tích hợp dành cho Microsoft được coi là “copilot for the web”. Đối với ngữ cảnh, công cụ tìm kiếm mới của Microsoft là sự kết hợp giữa công cụ tìm kiếm Bing với ChatGPT, công nghệ cơ bản do startup OpenAI xây dựng.

Tại sao việc có những cuộc trò chuyện dài trên Bing nhờ sự trợ giúp của ChatGPT không phải là một ý tưởng hay?

Trong buổi ra mắt Bing hai tuần trước, Sarah Bird, người đi đầu trong các nỗ lực về mảng AI của Microsoft cho biết công ty đã phát triển một cách mới để sử dụng các công cụ tổng quát nhằm xác định rủi ro và đào tạo cách phản hồi của chatbot.

Trong tuần đầu tiên đưa ra sử dụng một cách công khai, Microsoft đã nhận thấy có một mô hình, đặc biệt là khi nhiều người dùng đang thử nghiệm AI tổng quát và khả năng trả lời các truy vấn của nó. “Chúng tôi nhận thấy rằng trong các phiên trò chuyện dài, kéo dài với khoảng 15 câu hỏi trở lên, Bing có thể trở nên “lặp đi lặp lại” hoặc có thể đưa ra các câu trả lời không thật sự hữu ích hoặc phù hợp với giọng điệu được thiết kế của chúng tôi”, phía Microsoft chia sẻ.

Microsoft nhận thấy rằng các phiên trò chuyện rất dài có thể khiến mô hình chatbot trên Bing nhầm lẫn về những câu hỏi mà nó đang trả lời. “Các mô hình đôi khi cố gắng phản hồi hoặc phản ánh theo giọng điệu mà nó được yêu cầu cung cấp các câu trả lời. Điều này có thể dẫn đến một phong cách mà chúng tôi không có ý định xây dựng. Có thể các bạn sẽ không thường xuyên gặp phải những tình huống như vậy, nhưng chúng tôi đang xem xét để khắc phúc và cung cấp cho người dùng khả năng kiểm soát tinh vi hơn”, theo bài đăng trên blog của Microsoft.

Để giải quyết vấn đề đó, gã khổng lồ ngành công nghệ của Mỹ có kế hoạch bổ sung một công cụ cho phép người dùng làm mới ngữ cảnh hoặc bắt đầu lại từ đầu dễ dàng hơn.

“Chúng tôi muốn cảm ơn những người trong số các bạn đang thử nghiệm để tìm ra nhiều trường hợp sử dụng trải nghiệm trò chuyện mới và thử nghiệm các khả năng cũng như giới hạn của dịch vụ. Chẳng hạn, đã có những phiên trò chuyện giữa người dùng và chatbot kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ”, phía Microsoft nhấn mạnh.

Nhìn chung, vấn đề về các phản hồi của chatbot đã được các nhà nghiên cứu đề cập nhiều lần. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của The New York Times, giám đốc điều hành của OpenAI, Sam Altman, cho biết việc cải thiện cái được gọi là “sự liên kết” - cách phản hồi phản ánh ý muốn của người dùng một cách an toàn - là “một trong những vấn đề phải giải quyết ngay lúc này”.

Anh Nguyễn