Vì sao kinh tế tăng trưởng thấp, doanh nghiệp gặp khó nhưng thu ngân sách vẫn tăng mạnh?
Năm 2021 là năm khó khăn đối với nền kinh tế do tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất, nhiều thủ phủ công nghiệp tại phía Nam như TP HCM, Bình Dương đã phải buộc đóng cửa nhà máy, dừng sản xuất.
Tính trên quy mô cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng đầu năm có khoảng 106.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương bình quân 9.700 doanh nghiệp đóng cửa trong mỗi tháng kể từ đầu năm.
Tăng trưởng GDP quý III âm 6,17%, mức thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê. Và nếu tính chung 9 tháng năm nay thì tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 1,47%, thấp nhất trong cùng kỳ nhiều năm qua.
Dù kinh tế tăng trưởng gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước 11 tháng đầu năm 2021 "về đích" trước một tháng. Theo số liệu Bộ Tài chính công bố đến hết 30/11, lũy kế thu ngân sách nhà nước ước đạt 1,39 triệu tỷ đồng, vượt 3,4% dự toán và tăng gần 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thu nội địa vượt gần 1% so với dự toán và tăng hơn 6% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 giảm gần 7% so với năm trước). Thu từ dầu thô ước vượt 65% dự toán và tăng 20% so cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 17% dự toán và tăng 24% so cùng kỳ.
Khoản thu nội địa | Vượt dự toán |
Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh | 8% |
Thuế thu nhập cá nhân | 8% |
Thu về nhà, đất | 21,6% |
Cấp quyền khai thác khoáng sản | 58% |
Quỹ đất công ích và hoa lợi công sản | 77% |
Thu ngân sách khác | 7% |
Doanh nghiệp lớn vẫn duy trì hoạt động hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh
Lý giải về việc thu ngân sách cao bất chấp dịch bệnh, trao đổi với người viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, cho biết thu ngân sách nhà nước tăng mạnh là tổng hợp của nhiều lý do.
Chẳng hạn như nguồn thu cho thuê đất, ông Thịnh cho biết riêng việc cho thuê đất làm Đại sứ quán Mỹ đã đem về gần 3.000 tỷ cho NSNN, hay việc truy thu thuế doanh nghiệp các năm trước.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn DNNN và thu về nhà, đất vượt dự toán 21,6%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản vượt 58%, thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác cao hơn dự toán 77,1%.
Ngoài ra, thu từ dầu thô cũng tăng mạnh nhờ giá dầu tăng mạnh, giá dầu thanh toán bình quân tháng 11 đạt hơn 67 USD/thùng, cao hơn 22,5 USD/thùng so với dự toán.
"Chi thường xuyên cho các hoạt động hội nghị, công tác trong và ngoài nước của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cũng được tiết kiệm rất nhiều, có thể lên tới 50%, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19", Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Liên quan tới vấn đề số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng do dịch COVID-19 song số thu ngân sách từ khu vực kinh tế tư nhân vẫn vượt dự toán 8%, thu từ DNNN vượt dự toán 1,6%, Chuyên gia cho rằng số thu vượt dự toán này chủ yếu đến từ doanh nghiệp lớn, vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như xuất - nhập khẩu, nhờ thế mà tiền nộp thuế cũng tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với kết quả ước tính thì trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 599,11 tỷ USD, tăng mạnh 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 20,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng tăng mạnh.
Ông cũng giải thích thêm, số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, phải rút lui khỏi thị trường chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cho nên tỷ trọng đóng góp vào thu ngân sách không nhiều.
Kinh tế tăng trưởng thấp, thu ngân sách cao do biến động giá cả hàng hóa
Chia sẻ quan điểm khác về kinh tế tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách lại về đích trước một tháng, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) cho rằng điều này đến từ biến động giá cả hàng hóa tăng cao thời gian qua.
"Bối cảnh giá cả tăng kéo theo thu ngân sách tăng cao của hầu hết nền kinh tế, nhưng những người giữ tiền sẽ rất buồn khi giá cả tăng nhanh", ông Phạm Thế Anh nhận định.
Theo ông, khi giá cả tăng, không chỉ giá trị thực (real value) của các khoản nợ công sẽ giảm, mà các khoản thu ngân sách danh nghĩa (nominal value) như thuế, phí cũng sẽ tăng. Nếu không có gì xảy ra bất thường với thu từ bán tài sản, việc thu ngân sách về đích sớm một tháng là nhờ việc giá cả tăng cao.
Giá cả nhiều lĩnh vực tăng mạnh giúp các doanh nghiệp có doanh thu/lợi nhuận tăng vọt ngay cả khi sản lượng làm ra tăng thấp, số thu thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp... cũng theo đó mà tăng.
Ngoài ra, tiền công tiền lương của người lao động trong các lĩnh vực đó tăng cũng giúp làm tăng số thu thuế thu nhập cá nhân. Đặc biệt giá và giao dịch tài sản như bất động sản, chứng khoán tăng mạnh cũng giúp các loại thuế/phí đánh vào chuyển nhượng tài sản tăng mạnh.