Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 1 triệu tỷ đồng tồn đọng đã được bố trí, Chính phủ mới vay thêm 50 triệu yen ODA, lãi suất 0,01%
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong đó có vấn đề một triệu tỷ đồng tồn đọng trong ngân sách tại phiên họp về tình hình kinh tế xã hội ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, có ý kiến cho rằng, với việc tồn dư ngân sách một triệu tỷ đồng tại sao không dùng vào việc khác?
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho hay, tồn dư ngân sách hiện là 1.043 nghìn tỷ đồng, hiện đang gửi ở Ngân hàng Nhà nước 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại là 130 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền này đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể, đây chỉ là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn để bố trí vào các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia,…
"Do đó, đây là nguồn tồn đọng tạm thời do chưa giải ngân hết chứ không phải để phân bổ vào việc khác", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thông tin về việc bước đầu trong việc thực hiện ODA thế hệ mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính ký ODA với Nhật Bản vay được 50 tỷ yen, lãi suất chỉ 0,01% để triển khai các dự án ODA trong thời gian tới.
Giải trình về việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, Bộ trưởng cho biết, tại thời điểm lập dự toán 2022 là tháng 9/2021, tức là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát và trong quý này GDP tăng trưởng âm 6,02%, thu ngân sách của tháng 9/2021 - 46% so với cùng kỳ.
Vì vậy, việc lập dự toán ngân sách sát với thực tế ở thời điểm đó nhưng đến quý I/2022, Việt Nam đã chống dịch thành công nên vượt thu ngân sách 403,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, thu ngân sách từ dầu thô vượt 49.800 tỷ đồng, do giá dầu tăng đột biến và tăng sản lượng, thu từ xuất nhập khẩu cũng vượt 86,4 nghìn tỷ đồng, thu từ đất đai vượt 74 nghìn tỷ đồng,…
Về vấn đề hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Phớc cho biết, sau khi Nghị quyết 43 của Quốc hội ban hành, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 15 để thực hiện năm 2021 giảm và giãn thuế 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2022 giảm và gia hạn 200,3 nghìn tỷ đồng trong đó miễn giảm 89 nghìn tỷ đồng và giãn hoãn 100,3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra Chính phủ còn thiết kế gói kích cầu 347 nghìn tỷ đồng, trong đó 176 nghin tỷ đồng đầu tư các hệ thống cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến miễn giảm, giãn hoãn thuế phí 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm 74,2 nghìn và gia hạn, giãn hoãn thuế 121,2 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, có ý kiến đại biểu cho rằng, nên dùng một triệu tỷ còn đọng trong ngân hàng hỗ trợ lao động mất việc, kích cầu kinh tế.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP HCM, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Đại biểu đề xuất cần linh hoạt trong sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước để hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động, hỗ trợ lao động bị mất việc làm để ổn định, kích cầu nền kinh tế.
Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế.