Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 20%, Việt Nam ghi nhận tháng bội chi đầu tiên sau thời gian dài bội thu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa tháng 5/2023 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 638,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 5/2023 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm và giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2023 ước đạt 18,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 105,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,0% dự toán năm và giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Về chi ngân sách Nhà nước, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 157,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% và tăng 35,5%; chi trả nợ lãi 43 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% và giảm 1,3%.
Như vậy, trong tháng 5, ngân sách bội chi 48.600 tỷ đồng khiến ngân sách từ bội thu 145.100 tỷ đồng vào cuối tháng 4 giảm có bội thu 116.500 tỷ đồng.
Tổng cục Thống kê đánh giá, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chi ngân sách Nhà nước ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngân sách bội thu nên vẫn đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.