|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá vàng thế giới đạt kỷ lục còn vàng trong nước vẫn 'giậm chân tại chỗ'?

20:00 | 08/05/2023
Chia sẻ
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính nhận định thanh khoản nền kinh tế Việt Nam đang bị bóp nghẹt khiến thu nhập của người dân và doanh nghiệp giảm mạnh. Người dân không còn tiền để nghĩ để việc mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Thanh khoản kẹt, giá vàng SJC không thể đi lên

Giá vàng thế giới hôm 4/5 thiết lập kỷ lục mới khi đạt 2.072 USD/ounce trong bối cảnh nhu cầu tài sản trú an toàn tăng cao. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, người dân Trung Quốc đang đổ xô mua nhiều trang sức, vàng miếng hơn trong 3 tháng đầu năm sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ chính sách Zero COVID. Trong khi đó, giới đầu tư thế giới chuyển sang mua vàng trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng Mỹ phá sản hoặc rơi vào tình trạng nguy hiểm.

 Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Hệ thống ngân hàng Mỹ đang lâm vào khủng hoảng với sự sụp đổ liên tiếp của các ngân hàng lớn là Silvergate, Silicon Valley (SVB) và Signature (SB), First Republic. Tuần trước, ngân hàng PacWest cho biết đang xem xét việc bán lại cho bên khác. Điều này khiến dòng tiền đầu tư quay trở lại các kênh trú ẩn an toàn hơn như vàng.

Giá vàng thế giới còn được củng cố bởi động thái liên tục mua vào của các ngân hàng trung ương kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Năm ngoái, lượng mua vàng của các ngân hàng đạt kỷ lục 1.087 tấn vàng. 

Các tổ chức tài chính tăng cường mua vàng để đối trọng với sự phụ thuộc vào đồng USD sau khi Washington vũ khí hoá đồng bạc xanh trong lệnh trừng phạt đối với Nga.

Theo báo cáo hàng quý của Hội đồng Vàng Thế giới, hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương kéo dài sang năm nay, đạt 228 tấn trong quý đầu tiên, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Bloomberg, Hội đồng Vàng Thế giới (H.Mĩ tổng hợp)

Hiện tại (8/5) giá vàng thế giới đã điều chỉnh nhẹ xuống 2.030 USD/ounce dưới áp lực chốt lời. 

Nhìn sang thị trường trong nước, diễn biến giá vàng SJC lại khá trầm lắng, thậm chí có chiều hướng giảm nhẹ. Điều này không giống như những lần phản ứng trước đó của vàng SJC khi rất “nhạy cảm” với đà tăng mạnh của vàng thế giới và “vô cảm” với đà giảm. 

Tính đến ngày 8/5, giá vàng SJC ở hai chiều mua vào - bán ra lần lượt ở mức 66,4 và 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm 4/5 và gần như không đổi so với 1 tuần trước đó. 

 Diễn biến giá vàng SJC 1 tuần qua

Lý giải cho vấn đề này, trao đổi với người viết, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính nhận định thanh khoản nền kinh tế Việt Nam đang bị bóp nghẹt khiến thu nhập của người dân và doanh nghiệp giảm mạnh. 

“Người dân không còn tiền để nghĩ để việc mua vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Không chỉ người dân và doanh nghiệp, những người đầu tư vàng thực sự cũng không có tiền mặt. Mức độ nhạy cảm của họ với giá vàng hiện nay suy giảm rất nhiều”, ông Nghĩa nhận định. 

Trong khi đó, ở thị trường thế giới, theo ông Nghĩa, phản ứng của các thị trường trước việc Fed tăng lãi suất lần thứ 10 vào tuần trước cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin rằng khủng hoảng kinh tế sẽ còn kéo dài và dòng tiền đổ vào vàng khiến giá kim loại quý này tăng. 

Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống. Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm, trái với diễn biến thường thấy sau khi Fed tăng lãi suất.

  Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Trong bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed, ông Powell tái khẳng định rằng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu và còn một chặng đường dài phía trước để hạ xuống. 

“Điều này cho thấy tâm lý lo ngại triển vọng suy thoái kinh tế khá nặng nề. Người ta cho rằng kinh tế Mỹ có thể chuyển từ suy thoái nhẹ sang suy thoái sâu”, ông Nghĩa nhận định. 

Hiện mức chênh lệch giá vàng SJC hai chiều mua vào - bán ra khoảng 600.000 đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch thường thấy ở những giai đoạn biến động mạnh lên tới cả triệu đồng/lượng. 

Ông Nghĩa cho rằng chênh lệch mua - bán đang bị thu hẹp dần thể hiện mức độ co giãn của nhu cầu so với giá cả suy giảm, điều này thể hiện nhu cầu rất yếu. Trong khi lãi suất rất cao, người nào còn tiền cũng không nghĩ tới việc mua vàng để trú ẩn mà tìm đến kênh tiết kiệm. 

Nhiều động lực cho vàng thế giới, vàng trong nước có thể vẫn trầm lắng

“Với tình hình địa chính trị và những bất ổn kinh tế hiện tại, tôi cho rằng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng. Còn giá vàng trong nước sẽ ít nhạy cảm hơn với giá vàng thế giới, những biến chuyển cũng sẽ chậm chạp hơn bởi tình trạng kẹt thanh khoản có thể còn kéo dài”, ông Nghĩa nhận định. 

Trang Financial Times trích dẫn nhận định của ông John Reade, Chiến lược gia trưởng thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới rằng giá vàng việc giá vàng có thể tăng cao hơn nữa không sẽ phụ thuộc vào liệu các nhà đầu tư có nhìn thấy dấu hiệu của cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hay không. 

Tuy nhiên, ông Reade cho rằng dù có nhiều yếu tố tác động đến giá vàng nhưng chưa thấy những khoản đầu tư quy mô lớn vào kim loại quý này. Theo ông Reade, vấn đề đặt ra hiện nay là "liệu vàng có thể tiếp tục tăng vượt đỉnh" trong thời gian tới hay không?

Theo ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) cho biết thời gian tới có nhiều yếu tố ủng hộ giá vàng như cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay có nguy cơ trở thành "hệ thống" do quản lý rủi ro không đầy đủ, thiếu minh bạch, sử dụng đòn bẩy quá mức và phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn. Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục suy yếu khi chênh lệch lợi suất tiếp tục thu hẹp. 

Việc Fed tăng lãi suất có thể hỗ trợ giá vàng tăng mạnh trong các tháng và quý tiếp theo.

Ngoài ra, ông Hansen cho rằng nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương có vẻ sẽ tiếp tục ở mức cao khi họ thực hiện chiến lược phi USD hoá. Tuy nhiên, ông Hansen cho rằng nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu giá vàng tiếp tục bị đẩy lên cao, ngăn cản việc tích luỹ. 

Thực tế, mặc dù lượng mua vào của các ngân hàng trung ương trong quý I cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây lại quý giảm thứ 3 liên tiếp. 

“Việc sức mua của các ngân hàng trung ương giảm đi sẽ gây bất lợi đối với đà tăng giá”, ông Hansen nhận định.

H.Mĩ

Bầu Đức: Bằng mọi cách phải xóa lỗ lũy kế trong năm 2024
Công ty đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển 280 tỷ, con số này chưa thể giúp doanh nghiệp xóa lỗ lũy kế nhưng bầu Đức khẳng định sẽ bằng nhiều cách để xóa lỗ trong năm nay.