Vì sao du khách đến Thái Lan nhiều lần nhưng chỉ đến Việt Nam một lần rồi không quay lại?
Phát biểu tại tọa đàm "Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 12/3, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel nêu vấn đề về việc người Việt đi Thái Lan rất đông. Mỗi người có thể đi nhiều lần trong khi khách du lịch đến Việt Nam chỉ một lần rồi không quay trở lại để nói đến câu chuyện thiếu vắng chiến lược trong thu hút khách du lịch.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp mặc dù trong tháng 1 và tháng 2,khách quốc tế đến Việt Nam đều đạt hơn 1,5 triệu lượt khách/tháng, xấp xỉ với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ năm 2019 nhưng các doanh nghiệp lữ hành vẫn "đói" khách du lịch.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp nội chưa khai thác được nguồn khách mới trong khi đó cũng rất ít khách quay trở lại mặc dù chi phí để khai thác một khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới.
Theo Chủ tịch Vietravel, Việt Nam gây ấn tượng với khách quốc tế bởi nền văn hóa đa dạng, thiên đường ẩm thực, phong cảnh đẹp, đi lại dễ dàng nhưng đa phần du khách chỉ đến một lần.
“Tôi vừa đi Đà Lạt về, các điểm tham quan ở đây đang mất dần theo tốc độ phát triển kinh tế. Sản phẩm không tốt thì không thể đón khách quay lại lần 2, lần 3”, ông Kỳ quan ngại.
Đồng quan điểm, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, năm 2024 chia sẻ, thời gian qua dù khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn “đói” khách.
Khách du lịch tăng khá nhanh nhưng đi tour không tăng nhiều dẫn đến doanh nghiệp lữ hành đói khách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nội cũng không cung cấp được nhiều dịch vụ trọn gói mà chỉ tham gia được vào một số khâu riêng lẻ như đi lại, ăn uống, lưu trú.
Ông Hoà cho biết, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói, có chăng chỉ là một vài khâu lợi nhuận không cao như cho thuê xe như Saigontourist đang làm.
Các chuyến bay từ Nhật về TP HCM nhiều, khách đông nhưng chủ yếu là doanh nhân chứ người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa phải là điểm đến hấp dẫn với du khách Nhật. Khách Trung Quốc cũng không xem Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là điểm đến chính. Việc thiếu vắng hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc khiến nguồn thu của các công ty lữ hành cũng còn hạn chế.
Trong khi ngành Việt Nam nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế thì khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn. Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel cho rằng nguyên nhân khiến khách nội địa chọn du lịch nước ngoài nhiều là do chi phí vé máy bay nội địa đang cao, thậm chí cao hơn các điểm đến trong ASEAN.
Vấn đề quy hoạch thị trường khách hiện nay cũng khá mơ hồ trong khi thực tế, nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Xác định mục tiêu từ nay đến 2030 đón bao nhiêu khách ở mỗi thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc…?
Về kết nối du lịch để tạo sản phẩm, hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo, đủ rẻ và hấp dẫn để thu hút khách. Vietravel đề xuất sắp tới 6 - 8 đơn vị mạnh nhất trong ngành du lịch như Sungroup, Vingroup, Vietnam Airlines…cần ngồi lại với nhau để hỗ trợ phát triển thị trường du lịch nước ngoài.
Còn đại diện Saigontourist kiến nghị, chính sách visa cần hấp dẫn hơn nữa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc nên cộng đồng doanh nghiệp cũng xin miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.
Về xúc tiến thương mại, Saigontourist sẽ đồng hành Cục Du lịch quốc gia, tham gia các sự kiện, tham gia mái nhà chung du lịch Việt Nam – đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn.
“Chúng tôi mong có văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc, ... Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa nhân lực trẻ, giỏi cho công tác xúc tiến thương mại du lịch”, ông Võ Việt Hòa nêu rõ.