|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Đồng Nai 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược' về dịch tả lợn châu Phi?

13:23 | 08/05/2019
Chia sẻ
Hai địa phương Trảng Bom và Nhơn Trạch vừa phát công văn công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thì lập tức UBND tỉnh Đồng Nai lên tiếng bác bỏ thông tin này. Vì sao?
Vì sao Đồng Nai trống đánh xuôi kèn thổi ngược về dịch tả lợn châu Phi? - Ảnh 1.

Số heo nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi của hộ ông Nguyễn Văn Đằng (H.Trảng Bom) được tiêu hủy ngay trong vườn nhà. Ảnh: Lê Lâm

Dịch tả lợn châu Phi có xuất hiện ở Đồng Nai chưa? khi mà hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch đã ra văn bản công bố dịch, nhưng trong ngày 6/5, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lại phản bác, cho rằng đó chỉ là dịch heo tai xanh ?

Lãnh đạo Đồng Nai nói Trảng Bom, Nhơn Trạch 'công bố ẩu' dịch tả lợn châu Phi?

Ngày 7.5, PV Thanh Niên tiếp tục liên hệ với ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để làm rõ thông tin trên. Ông Chánh thừa nhận “Đồng Nai đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi”.

Theo ông Chánh, sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng đã khoanh vùng, xử lý triệt để. Còn lý do Đồng Nai chưa công bố thông tin vì sợ ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

“Vì hiện nay Đồng Nai là địa phương nuôi heo lớn của cả nước, với tổng đàn hơn 2,5 triệu con. Chúng tôi lo lắng về khả năng người dân nghe Đồng Nai có dịch sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang, heo khó xuất bán, thì khả năng tồn đọng heo trong dân là rất lớn lúc đó dễ lây lan dịch bệnh, chính quyền khó kiểm soát”, ông Chánh phân tích.

Trước đó, hai huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch của Đồng Nai đã công bố dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, trong văn bản công bố dịch của H.Trảng Bom, ổ dịch xuất hiện ở ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 (H.Trảng Bom).

Còn tại H.Nhơn Trạch, ổ dịch nằm tại một hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở xã Phước Thiền. Cả hai ổ dịch này được phát hiện vào cuối tháng 4.

Cũng vào cuối tháng 4, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định quy định tạm thời về cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Vì sao Đồng Nai trống đánh xuôi kèn thổi ngược về dịch tả lợn châu Phi? - Ảnh 2.

Chuồng trại được tiêu độc khử trùng để diệt mầm bênh. Ảnh: Lê Lâm

Quy định này đưa ra 5 mức hỗ trợ như sau: heo con theo mẹ: 300.000 đồng/con; heo cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi: 500.000 đồng/con; heo thịt từ 2 - 4 tháng tuổi: 2 triệu đồng/con; heo thịt, heo giống hậu bị trên 4 tháng tuổi: 3 triệu đồng/con. Riêng mỗi con heo nái, heo đực giống đang khai thác sẽ nhận mức hỗ trợ cao nhất là 4,5 triệu đồng/con.

[VIDEO] Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?

Lê Lâm