Vì sao bitcoin tăng giá mạnh vào đầu năm 2023?
Hôm 14/1, giá bitcoin tăng vượt mốc 21.000 USD lần đầu tiên kể từ ngày 7/1, theo CNBC. Mặc dù mốc giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh giá gần 69.000 USD ghi nhận vào tháng 11/2021. Dù vậy, thực tế đang diễn ra vẫn cho các nhà đầu tư lý do để cảm thấy lạc quan.
Đợt tăng giá lần này của bitcoin đến sau thời điểm một năm 2022 u ám với hàng loạt các scandal trong ngành công nghiệp tiền mã hoá, ví dụ như đợt sụp đổ của sàn giao dịch FTX hay các nhà đầu tư dè dặt hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận lợi.
Các nhà phân tích nhận định có nhiều lý do đằng sau đợt tăng giá vào đầu năm nay của bitcoin, bao gồm khả năng lãi suất giảm và các đợt mua vào lớn của các “cá voi” (từ để chỉ các nhà đầu tư lớn).
Năm mới, chính sách tiền tệ mới?
Lạm phát đang giảm nhiệt song nhiều chỉ báo lại cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chạm lại. Thực tế này khiến các nhà đầu tư lạc quan rằng FED có thể “quay xe”, hoặc ít nhất là làm chậm lại kế hoạch tăng lãi suất của mình.
“Bitcoin dường như đang dịch chuyển song song các dữ liệu vĩ mô khác khi các nhà đầu tư bắt đầu phớt lờ các tác động từ đợt sụp đổ của FTX”, James Butterfill, giám đốc nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản số CoinShares, nói với CNBC.
Theo vị chuyên gia này, dữ liệu vĩ mô quan trọng nhất mà các nhà đầu tư đang tập trung vào là chỉ số PMI yếu và xu hướng giảm của các chỉ báo về việc làm – lương. Thực tế này cùng với xu hướng lạm phát giảm đã tạo ra sự tự tin ở các nhà đầu tư vào thời điểm định giá bitcoin đang tiệm cận mốc thấp nhất mọi thời đại. “Triển vọng chính sách tiền tệ nới lỏng khi các chí báo kinh tế vĩ mô yếu đi và định giá thấp là những gì dẫn tới đợt tăng giá này”, ông James nhận định.
FED đã tăng lãi vay 7 lần trong năm 2022 khiến các tài sản có tính rủi ro cao lao đao và bitcoin không phải một ngoại lệ.
Những người ủng hộ bitcoin từng cho rằng bitcoin là một loại tài sản có thể rào chắn rủi ro trong thời kỳ lạm phát. Dù vậy, bitcoin đã chứng minh điều ngược lại vào năm 2022 khi mất giá tới 60% trong bối cảnh kinh tế Mỹ và các nền kinh tế lớn khác gặp khó khăn vì lãi suất và chi phí sinh hoạt cao.
Yaya Hasegawa, nhà phân tích thị trường tiền mã hoá tại sàn giao dịch tiền mã hoá Bitbank, nói trong một báo cáo vào hôm 13/1 rằng thực tế thị trường đang “tạo ra hy vọng cho những người tham gia thị trường rằng FED sẽ tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất”. Lúc này, một số nhà kinh tế học thậm chí dự đoán FED có thể sẽ giảm lãi suất ngay trong năm nay.
Giá trị đồng USD cũng giảm với đồng bạc xanh giảm 9% so với rổ tiền tệ được các đối tác thương mại của Mỹ sử dụng trong 3 tháng qua. Phần lớn các nhà đầu tư giao dịch bitcoin so với đồng USD, điều này đồng nghĩa với việc đồng USD yếu đi sẽ có lợi hơn cho bitcoin.
“Cá voi” mua vào bitcoin
Những nhà đầu tư lớn vào bitcoin (còn gọi là “cá voi”) có thể là những người dẫn dắt đợt tăng giá mới nhất của bitcoin, theo công ty dữ liệu tiền số Kaiko.
Theo Kaiko, quy mô giao dịch trung bình đã tăng từ 700 USD hôm 8/1 lên tới 1.100 USD hôm 16/1 trên sàn giao dịch Binance.
Những người hoài nghi vào bitcoin cho rằng thực tế này khiến thị trường dễ tổn thương hơn trước các đợt thao túng giá của một nhóm các nhà đầu tư đang nắm giữ bitcoin số lượng lớn. Theo công ty fintech River Financial, 97 ví bitcoin lớn nhất đang nắm giữ tới 14,15% tổng nguồn cung bitcoin.
Tháng 12 năm ngoái, Carol Alexander, một giáo sư tại đại học Sussex, nói với CNBC rằng bitcoin có thể ghi nhận “một đợt tăng giá có kiểm soát trong năm 2023, trong đó giá có thể chạm mốc 30.000 USD trong quý I và đạt mốc 50.000 USD trong nửa sau của năm. Lý do mà bà đưa ra là khi dòng tiền trên thị trường hạn chế và sự sợ hãi ngập tràn thị trường, các “cá voi” sẽ nhảy vào để vực dậy thị trường.
“Đào” bitcoin ngày càng khó
Một vài yếu tố khác cũng có thể đóng góp vào đợt tăng giá này. Một số đơn vị “đào” bitcoin đã rời thị trường vì giá giảm. Các “thợ đào” bitcoin, vốn sử dụng các máy tính hiệu năng cao để xác nhận giao dịch và tạo ra bitcoin mới, đã rời thị trường với số lượng lớn vì giá bitcoin giảm và chi phí điện tăng lên. Theo CNBC, đây thường là một tín hiệu tốt đối với bitcoin.
“Thợ đào” bitcoin thường tích luỹ số lượng lớn bitcoin. Khi các “thợ đào” bán bớt bitcoin để trả nợ, thực tế này tạo ra áp lực bán với bitcoin.
Dù vậy, thời gian gần đây, độ khó của việc đào bitcoin đang tăng lên, đồng nghĩa với việc nhiều năng lực máy tính hơn đang được khai thác để tạo ra các bitcoin mới lưu thông.
Độ khó của việc “đào bitcoin” chạm mốc 37,6 nghìn tỷ vào hôm 15/1. Điều này đồng nghĩa với việc cần tới 37,6 nghìn tỷ nỗ lực để tìm được một khối bitcoin hợp lệ và thêm nó vào blockchain (chuỗi khối).
“Độ khó của “đào bitcoin” giảm 3,6% trước đợt cập nhật gần nhất, sau một “mùa đông” khiến các “thợ đào” rời đi. Dù vậy, các “thợ đào” có vẻ đã quay lại với những chiếc máy mới có hiệu năng tốt hơn”, Marcus Sotiriou, một nhà phân tích thị trường tại GlobalBlock, nói.
Sự kiện “halving” vào năm 2024
Mặc dù vẫn còn cách thời điểm hiện tại khoảng 1 năm, sự kiện “halving” vẫn khiến nhiều nhà đầu tư tiền số hào hứng. Đây là thời điểm số phần thưởng cho thợ đào khi họ khai thác được một khối bitcoin mới giảm một nửa. Sự kiện này xảy ra mỗi 4 năm và sẽ làm chậm lại nguồn cung bitcoin thâm nhập thị trường.
“Có nhiều dấu hiệu cho thấy đây sẽ là khởi đầu một chu kỳ mới với bitcoin bởi điều này thường xảy ra từ 15 đến 18 tháng trước sự kiện halving”, Vijay Ayyar, Phó chủ tịch sàn tiền ảo Luna, nói với CNBC.
Sự kiện “halving” tiếp theo được kỳ vọng sẽ diễn ra vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 năm sau.