|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vi phạm quản lý đất đai – cấp thiết bịt 'lỗ hổng'

03:26 | 28/04/2022
Chia sẻ
Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến đất đai thời gian qua cho thấy, rất khó ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra trong tương lai nếu như không bịt được “lỗ hổng” của pháp luật.

Bình Thuận: Phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đất đai tại thành phố Phan Thiết. (Ảnh: TTXVN)

Liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt cựu quan chức địa phương bị đưa ra truy tố và xét xử với các tội danh liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Đây cũng không phải lần đầu tiên những vụ án kiểu này bị phanh phui nhưng dường như bài học vẫn chưa đủ sức răn đe khi những “lỗ hổng” về cơ chế chính sách vẫn tồn tại. Điều đáng nói là sau nhưng vụ án này để lại hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, an ninh xã hội cũng như niềm tin của người dân.

Gần đây nhất là ngày 13/4, sau 6 ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án đối với 7 bị cáo là các cựu quan chức địa phương này về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức án từ gần 3 năm đến hơn 5 năm tù giam.

Đây là vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực Núi Chín khúc, thuộc địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trong thời gian từ năm 2012-2015, các bị cáo đã có các hành vi giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật tại hai dự án nói trên cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa.

Đáng chú ý, trong số các bị cáo có tới 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa của 2 nhiệm kỳ. Là những người đứng đầu địa phương, sở ngành liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý đất đai, họ nắm bắt được quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh nhưng đã ký nhiều quyết định giao đất, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất trái pháp luật.

Xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, xây cất trái phép trên địa bàn xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: TTXVN)

Việc vi phạm các quy định về quản lý đất đai không chỉ gây thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với chủ trương chính sách, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; gây sự bất bình đẳng khiến môi trường đầu tư kinh doanh kém minh bạch.

Hay như đầu tháng 2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng nhiều đồng phạm do có sai phạm về giao đất giá rẻ.

Vụ án khởi tố hình sự với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại các dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo Luật Đất đai 2013, Nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Như vậy, việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Lợi dụng quy định này, những người được quyền “cầm cân nảy mực” dễ sa vào thế trận của cơ chế xin – cho, nảy sinh tình trạng tham nhũng.

Trên thực tế, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Vì thế, hiện rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm rồi sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất.

Mặt khác, quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể. Đây cũng là “lỗ hổng” tiếp tay cho những sai phạm của các quan chức trong việc ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không qua đấu giá đấu thầu, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tài sản và ngân sách Nhà nước.

Sự thiếu minh bạch còn thể hiện qua rất nhiều dự án treo, sử dụng sai mục đích đang phải thanh kiểm tra ở các địa phương. Hiện tượng nhiều dự án “xí chỗ” để chiếm đất tại các vị trí đắc địa và hàng loạt dự án lên tới hàng trăm ha để hoang hoá nhiều năm cũng không còn là cá biệt.

Để tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; đặc biệt những cá nhân, doanh nghiệp có quỹ đất nhưng không có tài chính có thể kết hợp với những cá nhân doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào nhưng lại không có quỹ đất cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị sử dụng nguồn lực đất đai, Luật Đất đai cho phép sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn kinh doanh.

Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó được chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thế nhưng, đây lại chính là kẽ hở lớn để nhóm lợi ích biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ thông qua chiêu thức phổ biến là góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công – tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần.

Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến đất đai thời gian qua cho thấy, rất khó ngăn ngừa hành vi tương tự xảy ra trong tương lai nếu như không bịt được “lỗ hổng” của pháp luật và việc sửa đổi Luật Đất đai càng trở nên cấp bách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV.

Trong đó, phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và quan điểm của Trung ương sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Bên cạnh đó, cần bám sát quan điểm của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39/NQ-TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Hiến pháp năm 2013.

Việc sửa đổi luật phải “thật chín”, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra, vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế, có tính khả thi cao.

Hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực đất đai sẽ là công cụ đảm bảo sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự theo pháp luật; đồng thời bịt lỗ hổng đang bị lợi dụng trục lợi trong lĩnh vực đất đai...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Hằng

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.