|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu NĐT nước ngoài vẫn mua ròng hơn 6.700 tỷ đồng từ đầu năm bất chấp xu hướng rút ra của vốn ngoại trên toàn cầu?

08:57 | 10/08/2022
Chia sẻ
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Chứng Khoán VNDirect thời gian qua trên thị trường xuất hiện những yếu tố đó hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tự tin quay trở lại Việt Nam.

Theo báo cáo công bố mới đây của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính đã có sự phân hóa trong tháng 7.

Các số liệu kinh tế của Mỹ cho thấy dấu hiệu giảm tốc và thị trường bắt đầu phản ánh khả năng suy thoái kinh tế đã kích hoạt dòng tiền vào các quỹ tiền tệ và quỹ trái phiếu. Bên cạnh đó, tâm lý đầu tư phần nào được cải thiện trong tuần cuối tháng 7 sau khi việc điều hành chính sách tiền tệ của Fed và các thông điệp đưa ra không có nhiều bất ngờ và thúc đẩy giải ngân dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu ở Mỹ trong tuần cuối tháng 7.

Kết tháng, dòng vốn vào cổ phiếu rút ròng khoảng 6,4 tỷ USD trong khi đó dòng vốn vào các quỹ trái phiếu chỉ rút 593 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình rút ròng 30 tỷ USD/tháng duy trì trong nửa đầu năm 2022.

Nhìn chung dòng vốn ngoại vẫn đang bị rút ra trên toàn cầu, tuy nhiên ở Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng hơn 6.700 tỷ đồng từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại.

Bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán VNDirect. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ trong Talk show Phố Tài chính, bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán VNDirect cho biết tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều chậm lại trong năm 2022 và 2023. Trong khi đó Việt Nam vẫn là một điểm sáng về mặt tăng trưởng trong khu vực châu Á.

Thứ nhất trong 6 tháng đầu năm lạm phát ở mức có thể chấp nhận được, thứ hai đồng Việt Nam vẫn duy trì sức mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng khá mạnh, những yếu tố đó hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài tự tin quay trở lại Việt Nam.

Tuy nhiên các nhà đầu tư châu Âu hay Mỹ vẫn khá thận trọng, chỉ có các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Thái Lan khá tự tin về câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam bởi họ hiểu Việt Nam cũng giống như câu chuyện tăng trưởng của họ cách đây 10 năm.

Ông Trương Thái Đạt Phó Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán DSC. (Ảnh chụp màn hình).

Còn theo ông Trương Thái Đạt Phó Giám đốc Khối Phân tích Công ty CP Chứng Khoán DSC, P/E dự phóng vào thời điểm đáy của thị trường chỉ đạt khoảng 11 lần. Nếu so sánh trong quá khứ của thị trường Việt Nam, đây là một mức P/E rất rẻ và hấp dẫn, kể cả mức chi phí vốn của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều so với thời điểm 2020 – 2021.

Bên cạnh đó, sức mạnh của đồng USD trong khoảng 1 – 2 tuần trở lại đây có sự điều chỉnh bởi GDP của thị trường Mỹ cũng đã suy giảm 2 quý liên tiếp và nó khiến cho hiệu quả đầu tư ở các thị trường ngoài thị trường Âu Mỹ ra sẽ có được hiệu quả đầu tư cao hơn, đó là lý do vì sao dòng vốn khối ngoại lựa chọn thị trường Việt Nam.

Mặt khác chuyên gia này đánh giá những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc nâng cấp những tiêu chí để nâng hạng của thị trường trong thời gian tới chắc chắn sẽ tháo gỡ, giúp thị trường Việt Nam có được xác suất trong việc nâng hạng thành công.

Đồi với diễn biến sắp tới của thị trường, ông Đạt cho rằng những đợt rung lắc mạnh trong thời gian vừa qua ở khu vực 1.200 điểm có lẽ là mức giảm mạnh nhất của thị trường Việt Nam. Kể từ thời điểm hiện tại về mặt vĩ mô, chính sách của thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ không có quá nhiều bất ngờ, thị trường khả năng sẽ có bức tranh lạc quan hơn rất nhiều từ nay cho đến cuối năm và khu vực 1.200 – 1.250 điểm sẽ là khu vực hỗ trợ mạnh.

Giám đốc Khối Phân tích VNDirect cũng cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán theo tôi đã qua và bức tranh cho những tháng cuối năm sẽ trở nên lạc quan và tươi sáng hơn.

Thu Thảo