VFCA dự báo VN-Index năm 2021 có thể đạt 1.800 điểm, đề xuất nâng biên độ sàn HOSE lên 10%, cho vay margin đến 70%
Việt Nam là một trong số thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất sau đại dịch
Mới đây, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) đã công bố báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất các phương pháp nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2023.
Theo đánh giá của Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước (UBCKNN), thị trường Việt Nam là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch, phục hồi tốt nhất thế giới. Từ vùng đáy 650 điểm tháng 3/2020, VN-Index không chỉ hồi phục về vùng 1.000 điểm trước dịch COVID-19 mà tiếp tục vượt luôn đỉnh thời đại 1.200 và tiến thẳng lên giao dịch quanh vùng 1.400 điểm.
Chỉ số định giá P/E của VNIndex tính đến ngày 1/7 đang đạt mốc 18,9, ứng với 1.400 điểm phục hồi (hay 83%) kể từ đáy gần nhất vào tháng 3/2020. Tuy vậy, mức P/E này vẫn thấp hơn giai đoạn 2016-2018, khi P/E từng đạt đỉnh 22,47 lần ứng với mốc 1.200 điểm. Điều này thể hiện thị trường Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục hướng tới các đỉnh cao mới.
Sự tăng trưởng của thị trường một phần đến từ sự bùng nổ của dòng vốn vào lĩnh vực chứng khoán. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, số tài khoản mở mới đạt gần 500 nghìn tài khoản, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm 2020.
Lượng nhà đầu tư tăng mạnh giúp thanh khoản thị trường cuối tháng 6/2021 lên tới con số kỷ lục 28.000 - 30.000 tỷ đồng/phiên (tương đương 1,2 - 1,3 tỷ USD). Xét riêng giá trị giao dịch bình quân của quý 2/2021 đạt 18.015 tỷ đồng/ngày, gấp đến 17 lần so với cùng kỳ năm 2017 là 1.174 tỷ đồng/ngày.
VN-Index có thể đạt 1.800 điểm trong năm 2021 trong kịch bản tích cực
So sánh với chỉ số P/E của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á, VFCA cho rằng Việt Nam đang được định giá thấp trong khi là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Do đó, dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh dần phục hồi của các doanh nghiệp giúp định giá P/E của các doanh nghiệp nói riêng và toàn thị trường nói chung tích cực hơn trong nửa cuối năm 2021. Sự nâng cấp về hệ thống giao dịch mới đây trên sàn HOSE cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp thu hút dòng tiền hướng đến thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh đó, VFCA dự đoán VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh tích cực khi sự bùng nổ được duy trì, VN-Index hoàn toàn có thể chinh phục mốc 1.800 điểm.
Đề xuất nâng biên độ lên 10% và nâng tỷ lệ margin lên 70%
Để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2023, VFCA đưa ra một số đề xuất nâng cao hơn nữa sự hấp dẫn của thị trường.
Cụ thể, VFCA đề xuất UBCKNN xem xét việc nâng biên độ dao động của sàn HOSE từ 7% lên thành 10%, ngang với sàn HNX và ngang bằng với mức biến động của sàn chứng khoán Trung Quốc nhằm tiến gần với quá trình nâng hạng thị trường. VFCA đưa ra đề xuất này sau khi đánh giá sự minh bạch, rõ ràng sau 20 năm hoạt động và phát triển của thị trường. Đặc biệt, Luật chứng khoán 2019 chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2021 đã góp phần hoàn thiện cơ chế hoạt động của thị trường chứng khoán.
Mặt khác, sau 20 năm, thị trường cũng chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô, thanh khoản cũng như mức độ tham gia thị trường của các nhà đầu tư. Họ có kiến thức về thị trường, có công cụ giao dịch tốt hơn. Điều này đã giúp nhà đầu tư cá nhân nâng cao khả năng quản trị rủi ro tài khoản và tăng nhu cầu tận dụng các đòn bẩy tài chính. Do đó, VFCA cho rằng việc xem xét nâng tỷ lệ cho vay margin của UBCKNN từ 50% lên 70% góp phần giúp thị trường sôi động hơn và các công ty chứng khoán giải phóng nguồn lực của mình.
Các vấn đề khác được VFCA đưa ra bao gồm xây dựng lộ trình để dần nới room cho NĐT nước ngoài vượt mức 50% ở hai nhóm ngành mũi nhọn là năng lượng và tài chính, đồng thời duy trì giới hạn quyền biểu quyết để bảo đảm mục tiêu về an ninh năng lượng và tránh việc lũng đoạn thị trường trong những lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế.
VFCA cũng kiến nghị UBCKNN nên xây dựng các bộ luật để đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa giao dịch trên thị trường, nhằm xỏa bỏ trở ngại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như trong tiến trình xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam. Đề xuất này bao gồm việc áp dụng chuẩn song ngữ trong giao dịch, công bố báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS)…