VEPR: Kịch bản lạc quan nhất, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,3% trong năm 2020
Triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch
Sáng nay (17/6) tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức buổi hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Viêt Nam 2020.
Theo đánh giá của VEPR, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Trong đó, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm có thể kể đến bao gồm: Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu EU (EVFTA và IPA) đã được hoàn tất kí kết và thông qua; Tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh; Cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung; Môi trường lạm phát ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn hơn bao giờ hết.
Theo đó, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần hai kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Hơn nữa, sự xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam chịu thiệt hại bất kể phần thắng nghiêng về bên nào.
Ngoài ra, nền tảng vĩ mô trong nước còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước.
"Những nhược điểm này, nếu không sớm được cải thiện, sẽ không chỉ cản trở sự hồi phục trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng xấu tới sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn", PGS TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR nhấn mạnh.
Hồi phục kinh tế trong năm 2020 là không dễ dàng
Trên cơ sở cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch.
Với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội sớm hơn dự kiến (từ cuối tháng 4 so với dự kiến cuối tháng 5 trước đây), VEPR nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên so với dự báo trước đây.
"Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, giúp các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của COVID-19 sẽ rơi vào quí II/2020", VEPR cho biết.
Với kịch bản này, VEPR đưa ra kịch bản tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 5,3%.Với các kịch bản trung tính và bi quan, mức tăng trưởng của Việt Nam có thể chỉ là 3,9% và 1,7%.
Theo VEPR, dù Việt Nam có lợi thế rất lớn là đã kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn, tuy nhiên việc phục hồi kinh tế là không dễ dàng khi các đối tác của Việt Nam vẫn đang chịu tác động nặng nề của dịch. Điều này cũng tác động làm giảm tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.
Về lạm phát, VEPR nhận định, rủi ro lạm phát trung bình, cầu kéo thấp, nhưng rủi ro từ lương thực thực phẩm tăng, rủi ro từ tỷ giá trung bình. Đồng thời, tổ chức này dự đoán lạm phát của Việt Nam trong năm 2020 sẽ ở mức 3,5%-4%.
Từ những phân tích và dự báo trên, VEPR khuyến nghị, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
"Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch", nhóm chuyên gia VEPR nhận mạnh.
Ngoài ra, VEPR cũng cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.
"Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện môi trường thể chế kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19", VEPR khuyến nghị.