|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VEPR: Tăng trưởng kinh tế năm 2020 ước đạt 6,48%

18:58 | 16/01/2020
Chia sẻ
Theo dự báo của VEPR, mức tăng trưởng GDP các quí trong năm 2020 dao động trong khoảng từ 6,27% đến 6,64%; tăng trưởng chung cả năm ước đạt 6,48%.
VEPR: Tăng trưởng kinh tế năm 2020 ước đạt 6,48% - Ảnh 1.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo (Ảnh: Quốc Thụy)

Sáng 16/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quí IV và cả năm 2019.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về kinh tế - chính trị, nền kinh tế Việt Nam trong cả năm đạt 2019 đạt 7,02%, thấp hơn so với năm 2018 (7,08%) nhưng vẫn là điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng vẫn là hai khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ với sự tăng trưởng nổi bật là ngành chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện nước và xây dựng. Cùng với đó, ngành khai khoáng cũng đã có sự tăng trưởng nhẹ sau 3 năm liên tiếp sụt giảm.

Khu vực nông, lâm và ngư nghiệp trong năm 2019 đã gặp nhiều yếu tố bất lợi từ thời tiết và dịch tả lợn châu Phi bùng phát và sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu nhưng vẫn tăng trưởng ở mức 2,01% với sự tăng trưởng ấn tượng của ngành thủy sản trên 6%.

Trong năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,3%, cao hơn năm 2018 với sự tăng trưởng khá đồng đều với đa số ở mức trên 7%. Trong đó, các ngành đạt mức tăng trưởng cao nhất bao gồm tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, bán buôn, bán lẻ và vận tải kho bãi.

VEPR: Tăng trưởng kinh tế năm 2020 ước đạt 6,48% - Ảnh 2.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR (Ảnh: QT)

Đối với vấn đề lạm phát, VEPR cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 tăng mạnh 5,04% so với cùng kì năm trước do ảnh hưởng của giá thịt lơn tăng cao. Tính chung trong năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 3,54% của năm 2018 và vẫn dưới ngưỡng 4% mà Chính phủ đặt ra.

Theo VEPR, nguyên nhân chính của xu hướng tăng CPI trong năm qua là do điều chỉnh giá điện, giá nhiên liệu bất ổn và giá lương thực thực phẩm tăng cao. Lạm phát ở dưỡi ngưỡng 4% nhưng việc CPI leo dốc trong tháng 12 vượt qua ngưỡng 5% sẽ tiềm ẩn không ít lo ngại cho các quí tiếp theo trong năm 2020.

"Lạm phát tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm do giá thực phẩm tăng vì hoạt động chăn nuôi suy giảm. Đây là quan ngại lớn của nền kinh tế trong quí IV năm nay. Nhìn chung, so với cùng kì năm ngoái, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều diễn biến kém tích cực hơn", TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Trong năm 2020, VEPR dự báo mức tăng trưởng kinh tế quí I/2020 sẽ ở mức 6,33%; quí II ở mức 6,27%; quí ở mức 6,58%; quí IV ở mức 6,64% và tăng trưởng cả năm 2020 ở mức 6,48%. Trong khi, tỉ lệ lạm phát theo các quí năm 2019 lần lượt là 4,88%; 4,49%; 4,13% và 4,04%.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng những mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội trong năm 2020 là có thể đạt được. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4% do những bất ổn chính trị trên thế giới có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Theo Nhóm nghiên cứu, triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào FDI với kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kì vọng sẽ khởi sắc sau việc kí kết các Hiệp định thươg mại tự do như CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải thận trọng trong quan hệ thương mại quốc tế.

Ngoài ra, với quan hệ thương mại chặt chẽ với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là một trong những vấn đề lớn của Việt Nam trong năm 2020.

Đối với hoạt động tài chính ngân hàng, VEPR khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên thận trong hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Tuy tổng phương tiện thanh toán có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây nhưng tỉ lệ M2/GDP của Việt Nam hiện vẫn ở ngưỡng cao. 

Trong bối cảnh NHNN vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm tỉ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ ứng phó với những cú sốc bên ngoài.

Quốc Thụy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.