|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vedan, Ajinomoto yêu cầu điều tra CBPG bột ngọt từ Trung Quốc và Indonesia

15:42 | 09/10/2019
Chia sẻ
Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của hai doanh nghiệp về yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết ngày 19/8, Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia từ các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, bên yêu cầu và bên ủng hộ vụ việc gồm Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam và Công ty Ajinomoto Việt Nam.

Trước đó, ngày 4/9/2019, Cục Phòng vệ thương mại có công văn số 760/PVTM-P1 đề nghị bên yêu cầu bổ sung, điều chỉnh để làm rõ một số nội dung về hàng hóa bị điều tra, phương pháp, cơ sở xác định biên độ phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Ngày 23/9 bên yêu cầu đã nộp đầy đủ thông tin bổ sung. Đến ngày 8/10, Cục Phòng vệ thương mại xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo qui định của pháp luật về phòng vệ thương mại.

Theo đó, trong thời hạn 45 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.

Nội dung thẩm định hồ sơ gồm xác định tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo qui định của Luật Quản lí ngoại thương.

Đồng thời xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

Do đó, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa tương tự nêu trên cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, công suất thiết kế và sản lượng của các sản phẩm trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018.

Ý kiến của công ty về vụ việc và bất kì tài liệu, chứng cứ nào khác mà doanh nghiệp cho rằng liên quan đến vụ việc. Thời hạn cung cấp các thông tin là trước 17h00 ngày 8/11/2019.

bot-ngot-2-jpg

Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia.

Theo tìm hiểu của người viết, Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam thành lập ngày 1/8/1991 với hoạt động chính là sản xuất thực phẩm như mì chính, sản phẩm công nghệ sinh học, thực phẩm ăn liền, rau câu xanh lục...

Theo Giấy phép đăng kí kinh doanh ngày 13/12/2018, công ty này đã nâng vốn điều lệ từ 3.670 tỉ đồng lên hơn 3.687 tỉ đồng (tương đương hơn 168 triệu USD), với 100% nguồn vốn từ nước ngoài. Mệnh giá cổ phần cũng nâng từ 22.595 đồng/cp lên 22.686 đồng/cp.

Giấy phép kinh doanh thay đổi vào tháng 9/2018 cho biết, cổ đông lớn nhất sở hữu 99,8% là Công ty BURGHLEY ENTERPRISES PTE cóa trụ sở tại Singapore. 

Ngoài ra còn có hai cổ đông khác là Công ty TALENT TOP INVESTMENTS và CAPRON GROUP LIMITED với tỉ lệ nắm giữ chỉ 0,1%.

vedan

Ảnh chụp màn hình từ Giấy đăng kí kinh doanh của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam

Còn Công ty Ajinomoto Việt Nam thành lập ngày 22/2/1991 thuộc Tập đoàn Ajinomoto Nhật Bản.

Doanh nghiệp này đã nhiều lần thay đổi giấy phép kinh doanh với sự điều chỉnh chủ yếu về ngành nghề kinh doanh. 

Cập nhật lần thay đổi gần nhất vào tháng 5/2019, doanh nghiệp này hiện có khoảng 21 ngành, nghề kinh doanh, trong đó hoạt động chính là sản xuất bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước sốt mayonaise, bột canh, thực phẩm bổ sung...

Như Huỳnh