VDSC: Tăng trưởng GDP quý III có thể đạt 4,5%
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định hoạt động sản xuất công nghiệp tốt hơn so với hai quý đầu năm, trong khi bán lẻ tăng trưởng chậm lại ở mức độ vừa phải.
Dựa trên xu hướng hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ trong hai tháng gần nhất, VDSC ước tính tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt 4,5%, cao hơn mức tăng 4,1% của quý II. Luỹ kế ba quý đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước đạt 4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn tháng trước, tăng lần lượt 2,87% so với tháng 7 và 2,62% so với cùng kỳ.
Đáng khích lệ là tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao hơn mức tăng chung, lần lượt là 4,5% so với tháng 7 và 3,5% so với cùng kỳ.
Các ngành tăng trưởng mạnh theo tháng là sản xuất máy móc, thiết bị, xe có động cơ và sản phẩm điện tử, máy vi tính. Trong khi đó, những ngành tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm có sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất hoá chất, cao su, kim loại và giường, tủ, bàn ghế.
Những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thuỷ sản, điện tử, gỗ vẫn chưa cho thấy sự phục hồi cả về chỉ số sản xuất và sản lượng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, số liệu nhập khẩu cho thấy lĩnh vực sản xuất hàng điện tử có thể cải thiện trong các tháng tới khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng này đã tăng tốc trong 3 tháng trở lại đây. Ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập khẩu của nhóm hàng này tăng 9,4% so với tháng trước và chỉ giảm 2,1% so với cùng kỳ.
Báo cáo cũng cho biết xu hướng lĩnh vực bán lẻ diễn biến như kỳ vọng của VDSC khi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này giảm dần trong quý III. Điểm tích cực là tốc độ giảm đã được hãm lại phần nào nhờ hiệu lực của chính sách tài khoá và tiền tệ.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong nửa đầu năm là 10,9%, hiện đã giảm còn 10,0% trong 8 tháng đầu năm 2023. Tính riêng tháng 8, doanh số bán lẻ hàng hoá tăng 7,5%, trong khi đó, tăng trưởng của nhóm dịch vụ liên quan đến du lịch là 11,4%, cao hơn mức tăng của tháng 6 và tháng 7.
Điểm cần lưu ý là tăng trưởng khá thấp của nhóm dịch vụ khác, chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ trong tháng 8. Thông thường, tăng trưởng thấp của nhóm này thường gắn với sự suy yếu của tổng cầu nên việc tăng trưởng thấp của nhóm dịch vụ khác trong tháng 8 là chỉ báo cần quan sát thêm.