VDSC: Lãi trước thuế của Vietcombank dự báo vượt 36.700 tỷ đồng, có thể phát hành riêng lẻ nửa cuối năm 2022
Theo báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Vietcombank sẽ đạt 36.758 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, nhờ vào giảm trích lập dự phòng (giảm 36% so với cùng kỳ).
Đồng thời, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến sẽ được bình thường hóa, ở mức 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng thu nhập lãi được dự báo là 16% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023.
Trong đó, thu nhập từ phí bancassurance được điều chỉnh tăng lên khi phản ánh mức tăng trưởng 60% năm 2022, trước khi được ước tính sẽ tăng chậm lại trên nền cao trong năm 2023.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ thuần được dự báo sẽ tăng 20% vào năm 2022 và 12% vào năm 2023. Thu nhập từ thu hồi nợ xấu cao trong năm 2021 dự kiến sẽ không duy trì sang năm 2022, dẫn đến giảm tăng trưởng so với cùng kỳ của thu nhập ngoài lãi khác.
Tổng thu nhập hoạt động năm 2022-2023 được ước tính lần lượt đạt 64.629 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và 76.465 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chiến dịch miễn phí phí giao dịch gần đây của ngân hàng được ước tính sẽ làm giảm 3-4% thu nhập từ ngân hàng số. Song, CASA sẽ được hưởng lợi từ việc này. CASA của ngân hàng dự báo đạt 35% vào năm 2022 và 36% vào năm 2023, dù kỳ vọng lãi suất sẽ tăng.
Chi phí tín dụng biên đối với khách hàng dự kiến không đổi trong giai đoạn 2022-2023, duy trì ở mức 1%, nhưng việc hoàn nhập khoản dự phòng cho khoản nợ xấu liên ngân hàng sẽ kéo tổng chi phí dự phòng sụt giảm mạnh.
Chi phí dự phòng được ước tính ở mức 7.500 tỷ đồng, trong đó 10.500 tỷ đồng dự phòng cho các khoản cho vay khách hàng và 3.000 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng cho khoản nợ xấu cho vay liên ngân hàng đã được trích lập đủ.
Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát, chuẩn bị cho phát hành riêng lẻ
Về chất lượng tài sản, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng giai đoạn 2022-2023 sẽ giảm nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khách hàng doanh nghiệp, vốn chiếm hơn 90% các khoản cho vay được tái cơ cấu vào năm 2021.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ tiếp tục được kiểm soát, lần lượt ở mức 0,7% và 0,9% trong giai đoạn 2022-2023.
Trong năm 2022, nhóm chuyên gia mong đợi một gói lãi suất hỗ trợ mới thay thế gói lãi suất cũ hết hạn cuối năm 2021. Khi nền kinh tế phục hồi, gói hỗ trợ liên quan đến COVID-19 có thể sẽ sớm kết thúc từ năm 2023. Theo đó, Vietcombank vẫn sẽ duy trì gói lãi suất cạnh tranh, ước tính khoảng 0,3%.
Tăng trưởng tín dụng năm 2022 của Vietcombank dự báo đạt 15% chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Con số này cho năm 2023 là 15%.
Tăng trưởng huy động dự phóng lần lượt ở mức 11% và 14,5% cho năm 2022-2023 nhờ lưu thông trong nền kinh tế tốt hơn khi các hoạt động kinh tế bùng nổ và việc tăng lãi suất huy động có khả năng bắt đầu từ nửa cuối năm 2022.
Ngoài ra, đợt phát hành riêng lẻ có khả năng sẽ diễn ra trong nửa sau năm 2022. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng.